Bộ Công thương đề xuất giảm một số đầu mối, lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia
Bộ máy tổ chức của Bộ Công thương dự kiến sẽ giảm đầu mối là giải thể Cục Công tác phía Nam, hợp nhất Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính - đổi mới doanh nghiệp cũng như hợp nhất một số đơn vị để thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
Bộ Công thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương thay thế cho nghị định số 98 trước đó.
Bộ Công thương đánh giá việc ban hành nghị định số 98 đã giúp tổ chức tinh gọn hơn, khi giảm từ 35 xuống còn 30 đầu mối, hoạt động tốt, hiệu lực, hiệu quả. Tuy vậy, một số nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao bổ sung, nhiệm vụ phân cấp phân quyền được phân công lại chưa được cập nhật, bổ sung, nên cần tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Trên cơ sở đó, bộ kiến nghị Chính phủ sửa đổi nghị định 98, giảm 2 đầu mối so với nghị định 98, còn 28 đầu mối. Cụ thể, giải thể Cục Công tác phía Nam và sắp xếp lại mô hình hoạt động theo hướng là đại diện của văn phòng bộ tại khu vực phía Nam.
Hợp nhất Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính - đổi mới doanh nghiệp để thống nhất đầu mối tổ chức tham mưu, giúp bộ trưởng quản lý về kế hoạch - tài chính. Đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương đề nghị tiếp tục duy trì theo mô hình ngành dọc.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất tổ chức lại Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Hội đồng Cạnh tranh và Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh thành Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Với mô hình này, ủy ban này không tương đương tổng cục, được hoạt động theo quy định của Luật cạnh tranh và các quy định liên quan.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia vẫn sẽ là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các thành viên ủy ban, với cơ cấu tổ chức bao gồm Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng giúp việc cho ủy ban.
Hiện nay, Bộ Công thương đã trình xin ý kiến Bộ Chính trị cũng như được giao để hoàn thiện mô hình. Trên cơ sở góp ý các bên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia dự kiến sẽ là một cơ quan đặc thù, với chức năng nhiệm vụ là thực hiện quản lý nhà nước trong 3 lĩnh vực gồm quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý kinh doanh đa cấp.
Theo tờ trình, đây sẽ là cơ quan hành chính bán tư pháp, tham mưu giúp bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh... tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại.
Như vậy, đây là một mô hình cơ quan đặc biệt, duy nhất trong hệ thống cơ quan hành pháp của Việt Nam hiện nay cùng lúc thực hiện cả chức năng quản lý nhà nước và chức năng tố tụng, tài phán.
Ủy ban này sẽ có bộ máy giúp việc là Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Theo quy định của Luật cạnh tranh, cơ quan này có quyền thu thập, tiếp nhận thông tin nhằm phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Đồng thời, cơ quan này sẽ tổ chức điều tra vụ việc cạnh tranh như ban hành quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trên cơ sở chấp thuận của chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, phân công hay thay đổi điều tra viên, quyết định trưng cầu giám định, triệu tập người làm chứng, gia hạn điều tra...
Cơ quan điều tra cũng sẽ được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, thông tin, đồ vật và giải trình liên quan đến nội dung vụ việc. Kiến nghị áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh sẽ do Chính phủ quy định. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Công thương với nhiệm kỳ 5 năm.
Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Bộ Công thương cảnh báo tình hình ùn tắc có thể quay trở lại nghiêm trọng hơn.