Bộ Công thương: Đề nghị để 5 DN bị tước giấy phép tiếp tục nhập khẩu xăng dầu
Bộ Công thương quyết định tiếp tục hoãn việc tước giấy phép của 5 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu vì cho rằng cần phải duy trì nguồn cung ứng trong thời điểm thiếu hụt hiện nay. Lượng nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 6,8 tỷ USD, tương đương khoảng 6,5 triệu tấn xăng dầu.
Việt Nam chi 6,8 tỷ USD cho nhập khẩu xăng dầu 9 tháng đầu năm
Bộ Công thương cho hay đến thời điểm hiện tại cơ quan này vẫn đang thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo quy định, cũng như thực hiện công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu. Do vậy, Bộ này có văn bản gửi Tổng cục Hải quan về việc thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra bộ trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, theo Tuổi Trẻ.
Việc thẩm định lại kết luận thanh tra là do hôm 31/8, chánh Thanh tra Bộ Công thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 11 thương nhân. Ngoài hình thức phạt tiền thì 5 doanh nghiệp đầu mối bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu trong 1 tháng.
Theo đó, 5 doanh nghiệp bị phạt hành chính và tạm tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, gồm: Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Công ty Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty Dầu khí Đông Phương. Hiện 5 doanh nghiệp này chiếm trên 10% thị phần xăng dầu cả nước.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đã ban hành nghị quyết thống nhất tạm dừng áp dụng hình thức phạt bổ sung tước giấy phép vào ngày 6/9.
Thanh tra Bộ Công thương cũng đã có thông báo số 771 gửi các đơn vị liên quan về việc tạm dừng thi hành xử phạt rút phép. Lý do của việc tạm dừng rút phép là để tiếp tục cung ứng trong bối cảnh xăng dầu đang thiếu hụt ở nhiều địa phương như: TP.HCM, Hà Nội, Lào Cai,…
Bộ Công thương cho biết đợi sau khi ban hành kết luận thanh tra và có văn bản mới thay thế thông báo 771, Bộ sẽ gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện theo quy định.
Cũng trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ về bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường, Bộ Công thương đề nghị Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) xem xét để các thương nhân đầu mối được tiếp tục kinh doanh xăng dầu.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chi 6,8 tỷ USD cho việc nhập khẩu xăng dầu, tương đương 6,5 triệu tấn.
Về thị trường, trong 9 tháng, Hàn Quốc dẫn đầu với hơn 2,5 triệu tấn xuất sang Việt Nam (chiếm hơn 38%), tổng trị giá 2,74 tỷ USD, tăng tới 91,6% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường lớn mà Việt Nam nhập khẩu xăng dầu về như: Malaysia đạt gần 956.150 tấn, trị giá hơn 885 triệu USD, nhưng giảm mạnh so với mức gần 1,7 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, nhập từ Singapore là hơn 960.500 tấn, trị giá 978,7 triệu USD, tương đương về lượng nhập khẩu so với cùng kỳ 2021; Thái Lan 877.870 tấn, trị giá 960 triệu USD, tăng gần 100.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, Trung Quốc xuất sang Việt Nam với hơn 627.120 tấn, trị giá 676 triệu USD, gấp 2,3 lần về lượng so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng 130%); trong khi về trị giá tăng gấp 4,4 lần.
Trước đó, Công ty Saigon Petro đã có văn bản phản hồi, nêu ra một số hệ lụy mà doanh nghiệp này đối mặt trong trường hợp bị tước giấy phép hoạt động. Cụ thể, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m³/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa. Theo Saigon Petro, việc này sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả không tốt tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp. Bên cạnh đó, công ty sẽ bị phạt hợp đồng với Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000m³ xăng dầu. |
Đức Minh
Saigon Petro phản ứng ra sao trước việc bị tước giấy phép kinh doanh?
Bộ Công thương vừa quyết định tước giấy phép hoạt động có thời hạn với Saigon Petro, còn doanh nghiệp này cho rằng mình không vi phạm quy định.