Bộ Công thương: Bảng giá điện mới “có lợi cho hộ dùng thấp, trung bình”
Bộ Công thương cho rằng cách tính điện theo bảng giá mới đang được đề xuất “có lợi cho hộ gia đình dùng điện thấp và trung bình”. Bên cạnh đó, thay vì 6 bậc giá như trước đây Bộ Công thương sẽ rút còn 5 bậc hoặc 4 bậc. Mức giá cao nhất cho mỗi phương án lần lượt là 3.356 đồng/kWh và 3.076 đồng/kWh (chưa VAT) với mức dùng 701 kWh trở lên trong một tháng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ hơn 16.580 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022
Tại buổi họp báo chiều ngày 12/10, Bộ Công thương cho biết hai phương án đang đề xuất có thể giảm tác động tới các hộ sử dụng điện ở mức thấp, trung bình.
Bên cạnh đó, với phương án 5 bậc, giá điện bán lẻ thấp nhất (0-100 kWh) là 1.678 đồng/kWh, cao nhất trên 701 kWh là 3.356 đồng/kWh (chưa VAT).
Ở phương án 4 bậc, mức giá bậc thấp nhất (0-100 kWh) vẫn là 1.678 đồng/kWh như hiện nay, cao nhất từ 701 kWh trở lên là 3.076 đồng/kWh (chưa VAT).
Ông Trần Tuệ Quang, Phó cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay với phương án 5 bậc, tiền điện các hộ có mức sử dụng từ 701 kWh một tháng (chiếm 2% số hộ dùng điện cả nước) sẽ tăng. Còn tiền điện các hộ có mức sử dụng dưới 701 kWh một tháng không đổi hoặc giảm.
Đối với Phương án 4 bậc, hộ gia đình dùng 119-232 kWh và trên 806 kWh, mức tiền điện tăng thêm, hơn 12.000 đồng một tháng, tương đương 3,25%. Các hộ còn lại có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm.
Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng bình đẳng và ổn định thì giá điện nên được tính theo tiêu thụ đầu người, thay vì theo hộ dùng điện như Bộ Công thương đề ra, báo Vnexpress đưa tin.
Ông Thịnh nhận định các thang giá điện hiện nay dù thay đổi vẫn phải bảo đảm khoảng cách tăng hợp lý giữa các bậc, không chênh lệch quá lớn. “Tức đảm bảo bước nhảy về giá giữa các bậc thang, hạn chế tăng tiền điện vào thời điểm giao mùa, như hè nắng nóng”.
Theo Tuổi Trẻ , ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng có sự khác biệt trong đề xuất sửa đổi biểu giá điện của Tập đoàn EVN và Bộ Công Thương.
Nếu như EVN tập trung vào đối tượng tiêu dùng điện phổ biến dưới 270 kWh/tháng để tăng giá thì Bộ Công Thương lại tập trung vào các hộ tiêu dùng điện ở bậc thang cao, từ 701 kWh/tháng trở lên để tăng giá.
Người dùng mtri872 thắc mắc trên bài của báo Vnexpress: “Vậy thưa ông: Các hộ tiêu dùng ở mức ít hoặc trung bình” chiếm bao nhiêu % dân số, xin ông nói rõ”.
Độc giả Thanh Y nhận định: “Trừ hộ nghèo nhà không có gì ngoài cái tivi, nồi cơm điện, quạt, bóng điện ra. Còn lại đều trên 100 kWh hết. Chỉ cần thêm cái tủ lạnh là trên 100 ngay. Mà tủ lạnh thì gần như nhà nào giờ cũng có”.
Người dùng htruccam27 cho biết: “Tất nhiên là họ [EVN] vẫn lợi nhất rồi. Họ nói là cách mới có lợi cho hộ ít sử dụng. Nhưng hộ ít sử dụng được cỡ bao nhiêu hộ thì họ không nói. Thiết nghĩ thời buổi này còn hộ nào sử dụng dưới 100kW điện không.”
Người dùng tên Trọng để lại bình luận trên bài của Tuổi Trẻ: “Trên danh nghĩa ngành điện hỗ trợ hộ nghèo nhưng thực chất với cách tính bậc thang thì số tiền thu về chênh lệch rất lớn so với giá điện thực tế. Số tiền hỗ trợ đó thực tế là lấy của người dùng nhiều bù vào nhưng ngành điện lại vẫn hưởng lợi rất nhiều”.
Đức Minh
Bộ Công thương đề xuất bảng giá bán điện sinh hoạt mới, cao nhất 3.356 đồng/kWh
Bộ Công thương vừa có văn bản số 5923 gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến các phương án điều chỉnh bảng giá bán lẻ điện sinh hoạt mới.