Bộ Công an Việt Nam muốn sản xuất phim về cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Ông Trần Đại Quang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 2011 đến năm 2016.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an Việt Nam, chiều 8/2, Bộ này đã tổ chức buổi họp bàn việc tổ chức sản xuất phim về ông Trần Đại Quang.
Bộ Công an cho biết mục đích làm phim về ông Quang nhằm “tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu thêm về quá trình tham gia cách mạng và những đóng góp to lớn của ông Quang với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng công an nhân dân”.
Bên cạnh đó, phim về ông Quang sẽ “cổ vũ, động viên, khích lệ các thế hệ đi sau tiếp bước, noi gương, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương được yêu cầu thu thập tư liệu, hình ảnh về ông Quang để lưu trữ, bảo quản đầy đủ, theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ.
Cũng theo ông Thủy, việc sản xuất, sử dụng phim thực hiện theo Kết luận số 88 của Bộ Chính trị, sau này đến thời gian kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Quang (12/10/2056) có thể bổ sung, cập nhật thêm.
Hiện báo chí nhà nước chưa nêu kinh phí dự kiến làm phim.
Trong suốt thời gian ông Quang giữ chức Bộ trưởng, có hàng trăm blogger, các nhà hoạt động, nhà báo bị bỏ tù vì các hoạt động ôn hòa của mình. Báo nhà nước cho rằng những người này vi phạm pháp luật Việt Nam.
Từ năm 2016 – 2018, ông Quang giữ chức Chủ tịch nước.
Trong thời gian giữ chức Chủ tịch nước, ông Quang từng phát ngôn “đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” , tại buổi tiếp xúc với cử tri TP.HCM ngày 19/6/2018.
Báo Tuổi Trẻ cũng từng đăng tải bài viết có tiêu đề “Chủ tịch nước đồng ý cần ban Luật Biểu tình” , trong đó có dẫn lời của ông Quang. Link bài báo trên được hàng loạt Facebooker chia sẻ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 3 giờ, báo Tuổi Trẻ sửa nội dung bài và không còn bất kỳ phát ngôn nào của ông Quang về Luật Biểu tình, đã gây xôn xao dư luận. Người đọc chỉ còn thấy ông Quang nói những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận , TP.HCM là do “các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo”.
Cũng trong trong thời gian giữ chức Chủ tịch nước, ông Quang đã ký quyết định ban hành Luật An ninh Mạng – một Bộ Luật trước đó vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
Đáng chú ý, thời điểm ngồi ghế Chủ tịch nước, ông Quang phải 6 lần đi Nhật Bản trị bệnh (tính từ tháng 7/2017).
Báo nhà nước dẫn lời ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, chỉ cho biết “ông Quang bị bệnh hiểm nghèo, thế giới chưa có thuốc chữa” , chứ không nêu tên bệnh cụ thể.
Đến chiều 20/9/2018, ông phải nhập viện Trung ương Quân đội 108. Các bác sĩ Việt Nam cùng chuyên gia người Nhật đã cùng hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị.
Đến khoảng 15h cùng ngày, ông bán hôn mê. Hai tiếng sau, ông hôn mê hoàn toàn đến lúc qua đời vào 10h5 sáng ngày 21/9/2018.
“Lăng mộ” nơi chôn cất ông Quang ở xóm 13 (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) cũng là một chủ đề được bàn tán.
Hôm 23/9/2018, báo Vnexpress đăng phóng sự cho hay khu an táng ông Quang rộng tới trên 2 ha.
Bài báo dẫn lời một cán bộ xã Quang Thiện cho biết khu đất đó cách đây vài năm là “cánh đồng lúa của người dân” nhưng đã được hợp thửa, sau đó được san nền và chuyển sang trồng cây xanh. Bao quanh khu đất là những con đường trải nhựa, với vỉa hè lát đá. Giáp với khu nghĩa trang này có một dòng sông nhỏ.
Cũng theo tờ báo, kể từ chiều ngày 21/9, khi có thông báo ông Quang qua đời, có hàng trăm công nhân và hàng trăm xe cộ, máy móc làm việc hối hả “không kể ngày đêm” để gấp rút hoàn thiện nơi an táng.
Tuy nhiên, chi phí cho tất cả những hoạt động này là do gia đình ông Quang chi ra hay là từ ngân quỹ nhà nước hoặc địa phương, lại không được tờ báo tiết lộ.
Một số người ước đoán rằng số tiền bỏ ra cho nghĩa trang cá nhân của ông Quang có thể lên đến trên 20 tỷ đồng, trong khi một thông tư năm 2013 của Bộ Tài chính quy định rằng mức chi từ ngân sách nhà nước cho một lễ quốc tang tối đa là 800 triệu đồng.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu số tiền này là do gia đình ông bỏ ra, hay được chi trả bằng ngân sách, tức tiền thuế của dân.
Ngoài ra, dư luận còn quan tâm đến việc chuyển đổi đất ruộng sang đất an táng, liệu có đủ giấy phép và tuân theo các quy định về đất đai?; đất do gia đình ông Quang mua hay được nhà nước cấp?; liệu có “lãng phí tài nguyên đất đai của dân tộc” hay không?…
GS. Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, từng nhận định trên RFA rằng: “Tôi thấy đây là vấn đề rất phản cảm mà dư luận đã có ý kiến. Người ta cho rằng đây là kiểu thức vua chúa phong kiến, chứ không phải ở thời đại văn hóa, văn minh hiện đại. Dẫu người ta nói mảnh đất đó có thể do gia đình, bạn bè, thân hữu góp tiền mua. Nhưng vấn đề không phải ai bỏ tiền ra mua mà vấn đề là làm một khu lăng mộ rộng như vậy cho một người từng là chủ tịch nước là phản cảm, trong khi dân chúng đói nghèo, một tấc đất cắm dùi không có. Nhiều người bị tước đoạt cả đất đai, nhà ở, kêu than hàng chục năm trời. Một bên là lăng mộ mênh mông hoành tráng, một bên là sự mất đất đẩy đến tận cùng của số kiếp con người”.
Hoàng Minh
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất lúc 10 giờ 5 phút, ngày 21/9, hưởng thọ 62 tuổi.