Bộ Công an nói về vụ án bà Nguyễn Phương Hằng

Chia sẻ Facebook
28/03/2023 22:11:56

Theo Phó chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, vụ án liên quan bà Phương Hằng có nhiều hành vi, diễn ra trong nhiều năm và trải dài ở nhiều địa bàn nên nhiều cơ quan cùng xác minh, giải quyết vụ việc.

Chiều 28/3, tại cuộc họp báo thường kỳ Quý 1 của Bộ Công an, đại tá Trương Thọ Toàn, Phó chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, cho biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an và công an các địa phương là tiếp nhận tất cả nguồn tin tố giác tội phạm một cách thận trọng. Việc xác minh xử lý phải qua nhiều công đoạn, áp dụng nhiều biện pháp, nhất là các vụ án phức tạp.

Đại tá Trương Thọ Toàn, Phó chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an


Theo ông Toàn, vụ án liên quan bà Nguyễn Phương Hằng (Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) có rất nhiều hành vi, diễn ra trong thời gian rất dài, liên quan đến nhiều người và trải dài ở nhiều địa bàn. Vì vậy công tác xác minh cần nhiều thời gian. Đó là lý do nhiều cơ quan cùng giải quyết vụ việc trên cơ sở đảm bảo yêu cầu của quy định pháp luật. Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh (PC01) hay Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hồ Chí Minh (PC02) thụ lý thì đều do một thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra chỉ đạo, trên cơ sở tổng hợp kết quả điều tra, xác minh. Trong một số hoàn cảnh, việc phân chia cơ quan thụ lý đơn tố giác tội phạm nhằm giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng.

Mới đây, con trai bà Nguyễn Phương Hằng gửi đơn đề nghị xử lý 35 cá nhân (trong đó có ca sĩ Vy Oanh) về việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bà Hằng. Ca sĩ Vy Oanh đã gửi đơn kêu cứu bày tỏ lo ngại vụ án có thể không được giải quyết toàn diện khi PC01 Công an TP.Hồ Chí Minh thụ lý việc xử lý bà Hằng, còn PC02 thụ lý đơn tố giác một số cá nhân trước đó được xác định là bị hại của bà Hằng.

Một năm trước, ca sĩ Vy Oanh đã gửi đơn đến Công an TP.Hồ Chí Minh tố giác bà Nguyễn Phương Hằng có hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm đến danh dự của nhiều cá nhân, nghệ sĩ trong nước và ca sĩ Vy Oanh.


Theo nội dung đơn, Vy Oanh cho rằng bà Hằng sử dụng ngôn từ phản cảm, xúc phạm nữ ca sĩ. Sau đó, nhiều người đã lập hội nhóm trên Facebook, YouTube đăng lại những video của bà Hằng và làm những clip đặt tiêu đề bôi nhọ, lăng mạ Vy Oanh.

Sau khi tiếp nhận đơn của Vy Oanh và các cá nhân khác, tháng 3/2022, Công an TP.Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam bà Phương Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Mở rộng điều tra vụ án này, Công an TP.Hồ Chí Minh đã khởi tố thêm 4 người có vai trò giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng gồm: Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam) và tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Đại học Luật TP.HCM).

Ngày 24/3, Công an TP.Hồ Chí Minh khởi tố bị can, bắt tạm giam nhà báo Đặng Thị Hàn Ni và luật sư Trần Văn Sỹ về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Sau đó, ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Hằng) cũng có đơn đề nghị xử lý 35 cá nhân về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân bà Hằng.

Ngày 21/3, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh có giấy triệu tập ca sĩ Vy Oanh đến làm việc về đơn của ông Tuấn. Tuy nhiên, nữ ca không đến làm việc, mà gửi đơn khiếu nại, đơn kêu cứu khi cho rằng ông Tuấn không có quyền tố cáo thay bà Hằng và việc gửi giấy triệu tập (không phải giấy mời) cho người được xác định tư cách là bị hại trong vụ án của bà Phương Hằng khiến ca sĩ Vy Oanh lo lắng.


Quỳnh An

Chia sẻ Facebook