Bộ Công an đề nghị ngừng giao dịch, chuyển nhượng tài sản của ông Trịnh Văn Quyết

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 15:21:57

Bộ Công an vừa đề nghị một số tỉnh, thành phối hợp điều tra, phong tỏa tài sản của ông Quyết và các cá nhân liên quan vụ "Thao túng thị trường chứng khoán".

Liên quan đến vụ việc thao túng thị trường chứng khoán, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gửi văn bản đề nghị cơ quan một số tỉnh, thành tạm ngừng chuyển nhượng các tài sản của ông Trịnh Văn Quyết và một số người có liên quan.

Thêm em gái chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt

C01 đề nghị phối hợp với một số cơ quan nhà nước địa phương để phong tỏa tài sản của ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân liên quan. (Ảnh: Ông Quyết trong một cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk: daklak.gov.vn)


Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) gửi văn bản đề nghị cơ quan nhà nước một số tỉnh, thành phố phối hợp phục vụ điều tra vụ việc “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty liên quan, truyền thông trong nước đưa tin.


Theo đó, cơ quan nhà nước tại một số địa phương được yêu cầu kiểm tra thông tin về tài sản của ông Trịnh Văn Quyết, bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết), bà Trịnh Thị Thúy Nga cùng bà Trịnh Thị Minh Huế (hai em gái ông Quyết). C01 đề nghị tạm ngừng giao dịch, chuyển nhượng, mua bán, cho tặng, thế chấp, cầm cố đối với các tài sản như: bất động sản, cổ phần, góp vốn, cổ phiếu,… của ông Quyết và các cá nhân trên, theo báo Vnexpress .

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã gửi văn bản đến 8 ngân hàng (Vietcombank, Techcombank, Sacombank, VPBank, BIDV, VIB, SHB và NCB) đề nghị cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán, tiết kiệm, chứng từ giao dịch, sao kê tài khoản,… của ông Quyết và những người liên quan.

Vụ việc “Thao túng thị trường chứng khoán” được điều tra từ ngày 29/3 khi C01 ra quyết định bắt ông Trịnh Văn Quyết. Gần đây, cơ quan điều tra đã bắt Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC là bà Hương Trần Kiều Dung và bà Nguyễn Quỳnh Anh – Tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS.

Cơ quan điều tra cho biết từ ngày 1/12/2021 đến 10/1/2022, ông Quyết cùng với các cá nhân điều hành Công ty Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất cao, tạo ra cung cầu giả cho các cổ phiếu.


Tại thời điểm ngày 10/1, ông Quyết đã bán ra hơn 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá khoảng 22.500 đồng/đơn vị, thu về khoảng hơn 1.680 tỷ đồng nhưng không công bố thông tin theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Việc này đã gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư trên thị trường, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra quyết định hủy bỏ toàn bộ giao dịch ngày 10/1 của ông Quyết và hoàn trả lại tiền cho các nhà đầu tư.

Hành vi của ông Quyết và các cá nhân liên quan đã được C01 xác định cấu thành tội thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại Điều 211 Bộ Luật Hình sự, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của thị trường chứng khoán.


Đức Minh

Ông Quyết đối mặt án phạt nào do hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán"?

Đối với hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", theo Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015, ông Quyết có thể bị phạt tù cao nhất tới 7 năm.

Chia sẻ Facebook