Bộ Công an: Cần ‘ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt’ để hỏi cung, thẩm vấn
Bộ Công an cho hay “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt” để đảm bảo an toàn cho điều tra viên, tránh đối tượng tự sát, chạy trốn… (Ảnh minh họa: vksbinhphuoc.gov.vn)
Bộ Công an đang đề xuất bổ sung “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt” vào khái niệm công cụ hỗ trợ để khống chế, giảm khả năng kháng cự của những đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung, đảm bảo an toàn cho lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Bộ Công an đang đăng tải dự thảo Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để lấy ý kiến, thời hạn trong vòng 1 tháng từ 12/5-12/6/2022.
Trong đó, nội dung “tạo hành lang pháp lý vững chắc cho cơ quan điều tra khi trang bị, quản lý, sử dụng Ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt” là một trong 5 chính sách kiến nghị tại dự luật.
Vì sao công an cần “g hế thẩm vấn đối tượng đặc biệt”?
Theo Bộ Công an, “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt” đã được Bộ Công an giao đơn vị chức năng nghiên cứu, sản xuất. Đây là sản phẩm dùng để khống chế, giảm khả năng kháng cự của đối tượng, đảm bảo an toàn cho lực lượng thi hành nhiệm vụ trong quá trình thẩm vấn những đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.
Bộ này cho hay qua đánh giá của công an các đơn vị, địa phương, “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt” rất có tác dụng trong việc khống chế đối tượng, nhất là đối với các đối tượng côn đồ, hung hãn, liều lĩnh, bất cần, đối tượng bị kích động mạnh, đối tượng sử dụng ma tuý dẫn đến ngáo đá có thể gây nguy hiểm cho điều tra viên và cán bộ điều tra trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai.
Ghế này còn giúp ngăn ngừa đối tượng tự sát, chạy trốn; răn đe, giáo dục phạm nhân khi có hành vi vi phạm nội quy trại giam, ngăn chặn những hành vi tiêu cực của phạm nhân, đặc biệt là những trường hợp phạm nhân ngoan cố, chống đối, tấn công cán bộ trong quá trình làm việc, phạm nhân có biểu hiện thần kinh không ổn định.
“Tuy nhiên, việc trang bị, sử dụng Ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt tác động nhất định đến quyền con người, trong khi đó chưa có cơ sở pháp lý vững chắc cho việc sử dụng và chưa được hướng dẫn sử dụng Ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt trong từng trường hợp cụ thể” – Bộ Công an thừa nhận.
Mặc dù vậy, Bộ này cho rằng “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt” có tính năng, tác dụng tương tự như khóa số tám. Do đó, Bộ này cho rằng cần thiết phải bổ sung Ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt vào khái niệm công cụ hỗ trợ trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để bảo đảm quá trình sử dụng.
Được gì, mất gì khi hợp pháp hóa “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt”?
Đưa ra đề xuất, Bộ Công an đưa ra hai phương án không bổ sung hoặc có bổ sung “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt” vào khái niệm công cụ hỗ trợ trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Nếu giữ nguyên các quy định có liên quan trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ này cho rằng mặt tích cực là không làm thay đổi quy định pháp luật có liên quan, nhưng mặt tiêu cực là không có hành lang pháp lý cho lực lượng công an quản lý, sử dụng “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt”.
Với việc bổ sung “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt” vào khái niệm công cụ hỗ trợ trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ Công an cho rằng mặt tiêu cực là sẽ phát sinh chi phí sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản để điều chỉnh chính sách; cơ quan quản lý nhà nước mất nhân lực, thời gian để thực hiện đăng ký quản lý, cấp phép đối với “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt”; phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Đổi lại, mặt tích cực được cho là tạo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng trong quá trình quản lý, sử dụng phục vụ công tác đấu tranh với tội phạm; không phát sinh biên chế, tổ chức để đăng ký, cấp phép đối với ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt; không làm thay đổi quy định về thủ tục hành chính có liên quan đến đăng ký, quản lý công cụ hỗ trợ; hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ quan điều tra trong quản lý, sử dụng “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt” phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm…
Bộ Công an kiến nghị lựa chọn giải pháp bổ sung “ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt” vào khái niệm công cụ hỗ trợ trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Việc ban hành chính sách này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải được quy định, điều chỉnh tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Cho phép nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt NamBộ Công an cho hay Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ. Để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cũng như tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ làm hiện vật trưng bày, triển lãm, Bộ này cho rằng cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại khoản 7, khoản 10 Điều 5 Luật này. Cụ thể là cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng; cho phép mua bán, trao đổi, cho, tặng, phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm. |
Nguyễn Quân