Bộ Công an: Cầm đầu lừa người Việt Nam sang Campuchia là người Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
06/07/2022 00:14:47

Bộ Công an cho hay lời mời "việc nhẹ, lương cao" thực chất là bán sang Campuchia, đòi tiền chuộc từ 3.000 - 30.000 USD (từ 70-700 triệu đồng).

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Việt Nam vừa phát cảnh báo về chiêu lừa “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là bị bán sang Campuchia, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, rồi bắt người thân tại Việt Nam phải trả tiền chuộc người với số tiền từ 3.000 – 30.000 USD (tương đương từ 70 – 700 triệu đồng).

Cảnh báo tình trạng buôn bán người Việt sang Campuchia do người Trung Quốc cầm đầu

Cảnh đếm tiền chuộc người trước cổng một casino ngay tại Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Nạn nhân (áo đỏ) bị bán từ một cơ sở giam giữ tại Sihanouk (Campuchia) sang casino này, nếu ngày hôm đó không được nhóm thiện nguyện chuộc về sẽ tiếp tục bị bán. (Nguồn: Phong Bụi/Facebook)

Trong thông tin phát ngày 4/7, Bộ Công an cho biết các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18 – 35 tuổi, qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) hoặc bị bạn bè, người quen rủ rê rằng sang Campuchia làm “việc nhẹ nhàng, lương cao”.

Tuy nhiên, sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị đưa vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo… trên không gian mạng.

Nạn nhân bị cưỡng ép làm việc từ 12 – 16 tiếng/ngày, bị nhốt, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bị bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam đòi nộp tiền chuộc từ 3.000 – 30.000 USD (tương đương từ 70 – 700 triệu đồng). Nhiều nạn nhân bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị bắt lại đánh đập, ngược đãi, rồi bán sang cơ sở khác nhau.

Theo Bộ Công an, cầm đầu các hoạt động là những người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của một số người Việt hiện đang hoạt động tại Campuchia. Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản người Việt Nam tập trung chủ yếu tại các khu vực như Bavet – tỉnh Svay Rieng, Poipet – tỉnh Banteay Meanchay, thành phố Shihanoukville – tỉnh Preah Shihanouk, Chrey Thom – tỉnh Kandal và tại TP Phnom Penh.

Đưa ra con số thống kê, Bộ Công an cho hay trong 6 tháng đầu năm 2022, hơn 250 trường hợp đã được lực lượng chức năng Việt Nam phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu. Mặc dù vậy, bộ này thừa nhận tình hình người Việt bị lừa xuất cảnh trái phép sang Campuchia, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp.

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cảnh báo và đề nghị người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại… Trước khi xác định nhận lời mời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài, mọi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng đi làm việc tại đó.

Ngoài ra, người có ý định đi nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.

Các trường hợp phát hiện có thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc… cần báo ngay cho người thân, gia đình và trình báo cho cơ quan công an.

Hai vợ chồng ở An Giang bị lừa mất 160 triệu mà không chuộc được con. Nạn nhân bị giam giữ tại Sihanouk (Campuchia), ngày 30/6 đã được một nhóm thiện nguyện chuộc về an toàn. (Nguồn: Phong Bụi/Facebook)

Trước đó, trong một khuyến cáo phát đầu tháng 7, Công an tỉnh Tây Ninh cho hay từ đầu năm 2022 tới nay đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình có người thân bị lừa sang Campuchia. Thượng tá Trần Minh Kiệt, Phó phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Tây Ninh cho hay trong thời gian qua, lực lượng chức năng Campuchia đã phát hiện 9 vụ tự sát, treo cổ, mất tích không rõ nguyên nhân.

Từ đầu năm 2022 đến nay, có 59 công dân Việt Nam được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trao trả về nước. Theo thông báo của cơ quan này, thời gian tới có 14 trường hợp tiếp tục trao trả về Việt Nam.

Công an tỉnh Tây Ninh nhận định tình trạng người dân xuất cảnh trái phép qua Campuchia lao động trên tuyến biên giới diễn biến phức tạp. Thông qua các mạng xã hội, các đối tượng ở Campuchia đăng tải thông tin, tuyển dụng người ở Việt Nam vào làm việc, với mức lương rất cao và mọi chi phí đi lại được chi trả trước.

Khi người tìm việc đồng ý, các đối tượng ở Campuchia móc nối với người ở Việt Nam tổ chức thành đường dây đưa họ xuất cảnh trái phép sang Campuchia.


Khi đưa sang Campuchia, nếu chủ công ty thấy người không làm được việc sẽ bán sang nơi khác với giá cao hơn. Nếu nạn nhân muốn về thì liên hệ với gia đình để chuyển tiền sang chuộc lại. Nạn nhân bị đánh, chích điện, nếu gia đình không chuộc bị đe dọa đem bán nội tạng , chết mất xác…


Nguyễn Quân

Việt Nam: Hàng trăm người sập bẫy 'việc nhẹ lương cao', bị lừa bán sang Campuchia

Thời gian gần đây, nhiều lao động tại Việt Nam "xuất ngoại" sang Campuchia làm việc vì tin tưởng "việc nhẹ lương cao", rồi sau đó bị đánh đập, đòi tiền chuộc.

Chia sẻ Facebook