Bộ Chính trị: Phấn đấu để Hà Nội có thêm 2 quận, GRDP bình quân đạt 13.000 USD

Chia sẻ Facebook
05/05/2022 21:38:34

Ngày 5-5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phố đi bộ Hồ Gươm - Ảnh: NAM TRẦN


Nghị quyết của Bộ Chính trị thể hiện quan điểm thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


GRDP bình quân đầu người đạt 13.000 USD


Về mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ trở thành thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.


Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.


"Tầm nhìn đến năm 2045, thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới", nghị quyết nêu rõ.


Thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo


Về phương hướng, nghị quyết yêu cầu phải đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ về sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế.


Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tập trung phát triển văn hóa thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho thủ đô.


Bộ Chính trị cũng yêu cầu Hà Nội phải tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị...


"Quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hóa , từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn...


Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế...", nghị quyết nêu rõ.

Ngoài ra, Hà Nội phải có các cơ chế, chính sách để ưu đãi, thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước.


Về y tế, Hà Nội phải xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân...


Về an sinh xã hội, nghị quyết yêu cầu thủ đô phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu. Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn của thủ đô, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo...


Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; giải quyết hiệu quả các tệ nạn xã hội.


"Trọng tâm quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.


Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài", nghị quyết nêu rõ.


Bộ Chính trị cũng yêu cầu Hà Nội tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng...


Về quy hoạch nông thôn, phải đảm bảo tính hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa...


Mở rộng sân bay Nội Bài


Về giao thông vận tải, nghị quyết yêu cầu phải đ ẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống.


Đặc biệt, phấn đấu hoàn thành đường vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng thủ đô và khu vực phía Bắc.


"Phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội có 3 - 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện phát triển thành quận", nghị quyết của Bộ Chính trị nêu.


Về vấn đề ô nhiễm sông, hồ, Bộ Chính trị yêu cầu Hà Nội phải xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ - sông Đáy, sông Tô Lịch; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch.


Đồng thời, Hà Nội phải bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự, an ninh chính trị; bảo đảm quốc phòng - an ninh... "Hà Nội phải thẩm định kỹ lưỡng các dự án đầu tư nước ngoài tại khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh; bảo đảm phát triển kinh tế thủ đô với quy hoạch tổng thể bố trí thế trận quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ", nghị quyết nêu.

Mặc dù có khó khăn về thu xếp nguồn vốn nhưng các địa phương đều khẳng định việc rà soát, bố trí vốn cho hai dự án vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội đang được cân đối.

Chia sẻ Facebook