Bộ ba HHS - TCH - CRV

Chia sẻ Facebook
19/09/2022 10:00:55

Sau khi lần lượt HHS và TCH đã được tăng vốn và pha loãng mạnh, giới chủ Hoàng Huy không giấu diếm kỳ vọng lớn với CRV - pháp nhân được lựa chọn đảm trách mảng bất động sản của tập đoàn này.


Trên sàn chứng khoán, cặp đôi cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy và TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy luôn thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư.

Sức hút này không chỉ đến từ số lượng cổ đông khổng lồ: 22.018 với HHS (ngày 8/3/2022) và 49.423 cổ đông với TCH (ngày 6/6/2022), mà còn bởi diễn biến đồng pha của 2 mã này trên sàn chứng khoán.

Mặc dù là những doanh nghiệp được đánh giá cao với giá trị tài sản lớn, đặc biệt là TCH với "portfolio" dự án bất động sản đáng nể ở Hải Phòng, song cổ phiếu của cả HHS và TCH đều diễn biến không mấy tích cực trong các năm qua. Nếu không tính thời gian ngắn vào đầu năm nay, thì HHS đã có tới 6 năm giao dịch dưới mệnh giá, còn với TCH, mã này cũng đang ở vùng đáy lịch sử, với thị giá liên tục đi xuống trong 6 tháng gần nhất. Chốt phiên 9/9, HHS ở mức 5.980 đồng/CP, TCH là 11.100 đồng/CP, với P/B lần lượt là 0,49 và 0,85 - rất thấp so với các doanh nghiệp có uy tín, danh tiếng.

Vì sao cặp đôi cổ phiếu này diễn biến như vậy là băn khoăn của không ít nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước.


HHS - TCH

HHS lên sàn vào đầu năm 2012 với 10 triệu cổ phiếu. Các năm 2012-2015 chứng kiến chuỗi tăng vốn liên tục của HHS, từ phát hành cho cổ đông hiện hữu, chia cổ tức bằng cổ phiếu, cả phát hành cổ phiếu để hoán đổi doanh nghiệp.

Tới tháng 3/2015, vốn cổ phần của HHS đã tăng tới 11 lần, lên 1.100 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu HHS có mức tăng rất mạnh, từng vùng 3.000 đồng/CP (sau điều chỉnh) lên mức đỉnh hơn 16.000 đồng/CP vào tháng 6/2015, ngay trước thời điểm HHS vào rổ VN30 (đầu tháng 7/2015).

Không lâu sau khi trở thành cổ phiếu Bluechips, cùng với đà tăng mạnh trên sàn HoSE, HHS tiếp tục triển khai phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Tới đầu tháng 11/2015, việc phát hành hoàn tất, vốn cổ phần của được nâng lên 2.330 tỷ đồng.

HHS ở lại rổ VN30 1 năm, trước khi bị loại từ tháng 7/2016. Đáng chú ý, bên cạnh việc tăng vốn, thì khoảng thời gian ở trong nhóm VN30 cũng đã giúp một lượng lớn cổ phiếu HHS được phân phối ra ngoài thị trường cho cổ đông nhỏ lẻ.

Cụ thể, ĐHĐCĐ bất thường (EGM) ngày 25/6/2015 ghi nhận số lượng cổ đông tham dự là 83,77%, thì chỉ 9 tháng sau, tới ĐHĐCĐ thường niên (AGM) ngày 3/2/2016 đã giảm rất mạnh về còn 52,78%, trước khi nhích lên 55,28% vào EGM 22/7/2016.

Lưu ý rằng, tham dự ĐHĐCĐ thông thường chỉ gồm cổ đông lớn, chi phối, ít có sự tham dự của cổ đông nhỏ lẻ. Ở minh chứng rõ nét, tỷ lệ cổ phần tham dự AGM HHS ngày 12/4/2022 chỉ còn 51,8%, xấp xỉ mức sở hữu của công ty mẹ TCH (51,06%).

Về phần mình, tháng 5/2016, Hoàng Huy Group công bố tái cấu trúc tập đoàn, với định hướng TCH mua lại cổ phần từ lãnh đạo hiện hành của HHS, và dần nâng tỷ lệ trong HHS lên mức chi phối 51%.

Cùng thời điểm, TCH thực hiện thực hiện tăng vốn gấp 2,75 lần, từ 1.200 tỷ đồng lên 3.300 tỷ đồng thông qua phát hành cho 96 cổ đông hiện hữu. Phần lớn số tiền thu về được dùng để mua lại chính cổ phần HHS của gia đình doanh nhân Đỗ Hữu Hạ, đồng thời góp vốn vào công ty con, công ty liên kết.

Ngày 5/10/2016, gần 330 triệu cổ phiếu TCH được niêm yết trên HoSE, giúp ông Đỗ Hữu Hạ khi đó lọt vào Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 2.500 tỷ đồng, được định giá qua HHS và TCH.

Diễn biến cổ phiếu HHS


Tại AGM ngày 24/6/2017, tức là sau hơn 8 tháng lên sàn, tỷ lệ cổ phần tham dự chỉ là 66,91%, đồng nghĩa với có hơn 120 triệu cổ phần vắng mặt. Tới AGM ngày 20/6/2020, tỷ lệ này giảm về còn 62,99%.

Cơ cấu cổ đông đã được pha loãng khá mạnh tương đồng với diễn biến TCH suốt nhiều năm sau khi lên sàn không có kế hoạch tăng vốn. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 đã thúc đẩy thị trường chứng khoán bùng nổ, là cơ hội cho các doanh nghiệp phát hành cổ phần tăng vốn. Với TCH, nghiệp vụ này còn thuận lợi hơn khi TCH lọt vào rổ VN30 từ tháng 8/2020 - tháng 8/2021.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của TCH đã thông qua phương án phát hành mới 200 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với mức giá 12.800 đồng/CP, để đầu tư vào 2 dự án trọng điểm ở Hải Phòng là Hoàng Huy Commerce và Hoàng Huy Sở Dầu. Bất động sản cũng là lĩnh vực phát triển chính yếu được lãnh đạo TCH khẳng định trước cổ đông, với danh mục dự án đồ sộ ở Hải Phòng.

Tháng 10/2021, TCH hoàn tất tăng vốn lên 6.187 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của TCH lúc này đã khá loãng. Tỷ lệ cổ phần tham dự bỏ phiếu tại đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vào tháng 11/2021 chỉ còn 52,61%, trước khi giảm về 51,7% tại AGM ngày 5/7/2022 vừa qua, mức thấp nhất kể từ khi TCH trở thành công ty đại chúng, và khá tương đồng với thực trạng tại HHS, như đã đề cập ở phần trên.

Tại AGM 2022, chỉ có 78 cổ đông TCH tham dự, trong khi gần 49.400 cổ đông còn lại, sở hữu tới 322 triệu cổ phiếu không có mặt.

Diễn biến cổ phiếu TCH


Kịch bản nào cho CRV?

Theo kế hoạch ban đầu, TCH sẽ dùng 2.555 tỷ đồng thu về từ đợt phát hành thêm năm ngoái để đầu tư vào 2 dự án Hoàng Huy Commerce (1.800 tỷ đồng) và Hoàng Huy - Sở Dầu (755 tỷ đồng).

Tuy nhiên, chỉ ít tuần sau khi hoàn tất đợt chào bán, HĐQT TCH ngày 26/10/2021 đã có Nghị quyết thay đổi phương án sử dụng vốn, theo đó chỉ còn đầu tư 1.303 tỷ đồng cho dự án Hoàng Huy Commerce và đầu tư phần còn lại vào 2 công ty con, là CTCP Phát triển Nhà Đại Lộc (497 tỷ đồng) và CTCP Xây dựng Đại Thịnh Vượng (755 tỷ đồng).

Tới tháng 11/2021, phương án sử dụng vốn tiếp tục được thay đổi, chuyển thành góp vốn bổ sung vào CTCP Phát triển Nhà Đại Lộc (1.800 tỷ đồng) và góp vốn bổ sung vào CTCP Xây dựng Đại Thịnh Vượng (755 tỷ đồng).

Trước đó, TCH ngày 27/10/2021 đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án Hoàng Huy Sở Dầu cho Đại Thịnh Vượng. Tới ngày 13/12/2021, TCH tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án Hoàng Huy Commerce cho Nhà Đại Lộc.

Ngày 28/12/2021, HĐQT TCH có Nghị quyết về việc bán toàn bộ gần 106,5 triệu cổ phần, tương đương 99,99% vốn Đại Thịnh Vượng cho CTCP Tập đoàn BĐS CRV với giá 1.270 tỷ đồng, tương đương khoảng 11.900 đồng/CP, cao hơn 11,9% so với giá gốc đầu tư. Ngày 25/8/2022 vừa qua, HĐQT TCH tiếp tục có Nghị quyết chuyển nhượng gần 182 triệu cổ phần, tương đương 99,99% vốn Đại Thịnh Lộc cho CRV, với mức giá 2.462 tỷ đồng, tương ứng 13.500 đồng/CP.

Việc chuyển nhượng 2 dự án tiềm năng nhất cho CRV được ban lãnh đạo TCH lý giải là để nâng cao hiệu quả phát triển các dự án.

"TCH có định hướng tổ chức việc đầu tư dự án thông qua chuyển nhượng cho công ty con CTCP Tập đoàn BĐS CRV để tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu bất động sản", lãnh đạo TCH khẳng định.

Với định hướng này, sẽ không bất ngờ nếu TCH tiếp tục chuyển nhượng các dự án khác cho CRV.

Ở một diễn biến liên quan, HoSE ngày 8/6/2022 đã nhận hồ sơ niêm yết 672,4 triệu cổ phiếu Tập đoàn Bất động sản CRV. Diễn biến cổ phiếu CRV (nếu được chấp thuận niêm yết) cũng là chủ đề đang nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư.

Chia sẻ Facebook