Bloomberg: Việt Nam có thể vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% nếu...
Việt Nam cần đẩy nhanh hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để phát huy tối đa tiềm năng của mình. Từ vị thế địa chính trị cho tới nguồn lực lao động, Việt Nam hội tụ nhiều lợi thế để có thể bứt phá trong thời gian tới.
Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp toàn cầu từ Samsung Electronics cho tới Lego Group đang xây dựng các siêu nhà máy tại đây. Apple cũng đang trong quá trình đàm phán để lần đầu tiên đưa dây chuyền sản xuất Apple Watch và MacBook tới quốc gia Đông Nam Á này. Cuộc chạy đua tuyển dụng người lao động trong nước cũng đang diễn ra vô cùng "khốc liệt".
Dù nỗ lực không ngừng trong công tác xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình đưa các sản phẩm công nghệ vào về sản xuất tại Việt Nam diễn ra tương đối chậm.
Nút thắt chính là cơ sở hạ tầng. Quốc gia hình chữ S vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống đường xá được xây dựng từ nhiều năm trước, vốn thường xuyên rơi vào cảnh xuống cấp, tắc nghẽn. Theo thống kê, 3/4 tổng lượng hàng hóa và 90% nhu cầu đi lại của người dân gắn liền với đường bộ. Bên cạnh đó, không phải tất cả các cảng biển tại quốc gia này có thể tiếp nhận tàu vận tải trọng tải lớn.
Hiện đại hóa hệ thống đường bộ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong vài năm trở lại đây và minh chứng rõ ràng nhất là dự án đường cao tốc Bắc Nam đang được gấp rút thi công. Tuy nhiên, quá trình xây dựng gặp không ít khó khăn do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có diễn biến tăng giá chi phí nguyên vật liệu, gây đội vốn đầu tư.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm khác cũng rơi vào tình trạng trì trệ. Tại TPHCM, hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên (metro Bến Thành- Suối Tiên), bắt đầu khởi công từ năm 2012 và dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2018, phải lùi kế hoạch vận hành tới năm 2023. Dự án này đội vốn khoảng 1,3 tỷ USD (cao hơn tổng vốn dự kiến ban đầu) và cần được chấp thuận bởi Quốc hội Việt Nam. Hệ quả là tiềm năng phát triển của khu vực phía Đông thành phố, một đầu của tuyến đường sắt, chưa thể được khai thác triệt để.
Nhiều dự án quan trọng khác, ví dụ như hệ thống đường vành đai, được quy hoạch nhiều năm về trước, vẫn chưa thể khởi công sau nhiều lần trì hoãn.
Giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt hơn 34%, trong khi 90% nguồn vốn đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng tới từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nếu như quá trình giải ngân chậm, tiến độ các dự án, công trình cũng không thể đẩy nhanh.
Grand Park của Tập đoàn Vinhomes là một khu đô thị hiện đại. Tuy nhiên, trong mùa mưa và các đợt triều cường, việc di chuyển của người dân vào khu vực nội đô hết sức khó khăn. Họ từng ngày mong ngóng dự án metro sớm được hoàn thành.
Không thể phủ nhận những nỗ lực cải thiện tình hình từ phía Chính phủ cũng như các địa phương. Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư, có hiệu lực vào năm 2021, là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết triệt để. Ví dụ, nhà thầu thường dựa vào các điều khoản chia sẻ rủi ro đối với nhà nước và ít mặn mà với các dự án có điều khoản tất toán một lần sau khi hoàn thành. Điều này dẫn tới việc nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chậm tiến độ. Tính tới tháng 2, một hợp phần của dự án Cao tốc Bắc-Nam dài 50 km, được thực hiện bằng vốn đầu tư tư nhân, chỉ hoàn thành được 1,5% tiến độ.
Từ vị thế địa chính trị cho tới nguồn lực lao động, Việt Nam hội tụ không ít lợi thế để bứt phá trong thời gian tới. Điều mà họ thiếu là khả năng tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến một số quy định pháp lý, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh các dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7% cho năm nay nhưng họ hoàn toàn có thể làm tốt hơn.
Theo Bloomberg