Bloomberg: Top 100 những người Mỹ giàu có nhất mất 622 tỷ USD
Làn sóng bán tháo chưa từng có đối với dòng cổ phiếu công nghệ khiến các siêu tỷ phú mất 622 tỷ USD, mức sụt giảm kéo dài nhất trong lịch sử.
Những ngày đầu đại dịch, khi thị trường lao dốc và 22 triệu người Mỹ mất việc làm, Quốc hội và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đã bắt tay vào hành động trong nỗ lực ổn định một nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Sau khi hàng nghìn tỷ USD tiền mặt cùng các khoản vay giá rẻ được bơm ra ngoài thị trường, các hộ gia đình ở Mỹ đang tiết kiệm khoản tiền kỷ lục.
Cụ thể, lượng tiền gửi tiết kiệm mà các hộ gia đình nắm giữ tính đến quý III/2021 tăng 100 tỷ USD so với quý II, đạt 10.700 tỷ USD. Trong khi đó, số dư trong tài khoản của các hộ gia đình trong quý III cũng tăng 40 tỷ USD so với quý trước, đạt 3.710 tỷ USD.
Tuy nhiên, vẫn có những công dân Mỹ được hưởng lợi nhiều hơn cả từ các chính sách kinh tế nới lỏng, cụ thể là nhóm siêu giàu. Sự chênh lệch về giá trị tài sản chủ yếu đến từ sự khác nhau giữa các cấp độ giàu có tại Mỹ. Theo Bloomberg, cổ phiếu và quỹ tương hỗ chiếm hơn 1/3 tài sản của những người Mỹ giàu có nhất khi đại dịch bùng phát. Điều này đồng nghĩa với việc top 1% trên đã ghi nhận mức tăng tài sản ròng đáng kể nhờ các gói kích thích và sự nhiệt tình của giới đầu tư đối với tiền nhàn rỗi. Trong khi đó, 50% công dân Mỹ, những người hầu như không sở hữu cổ phiếu, chênh lệch tài sản ròng gần như không có.
Sự cuồng nhiệt đối với các mã cổ phiếu giúp các công ty tư nhân “phình to” nhờ giá trị vốn hóa tăng cao, qua đó khuyến khích việc mua bán và sáp nhập. Điều này khiến những người Mỹ giàu có nhất được hưởng lợi, ngay cả khi thị trường chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Nhiều nhà đầu tư cũng nắm bắt được cơ hội bán đỉnh và thu lời lớn.
Theo báo cáo công bố hôm 22/5 của tổ chức phi chính phủ Oxfam, 573 người đã gia nhập danh sách tỷ phú kể từ năm 2020, nâng tổng số tỷ phú toàn cầu lên 2.668. Điều này đồng nghĩa với việc trong đại dịch, trung bình mỗi 30 giờ, thế giới lại có thêm một tỷ phú. Báo cáo trên dựa trên số liệu của Forbes, được công bố trước thềm khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ).
Trong khi đó, một nửa số công dân Mỹ còn lại không được may mắn như vậy. Tài sản của họ đa phần là nhà ở, vì vậy, rất khó để gia tăng tài chính. Rủi ro suy thoái sau các chính sách của FED cũng là một trong số những nguyên nhân.
Theo Bloomberg, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tất cả các tập đoàn kinh tế ở Mỹ đều trở nên giàu có hơn. Điều này chững lại đôi chút trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, song phản ứng của chính phủ đã làm tăng tỷ lệ tích lũy tài sản của những người giàu nhất. Cụ thể, theo Realtime Inequality, giá trị ròng của 1% những người giàu có nhất đã tăng ⅓ chỉ sau 2 năm đại dịch bùng phát. Tài sản của 0,01% và 0,001% người giàu nhất thậm chí còn tăng hơn 36%.
Thực tế, thuế bất động sản đối với người đã qua đời đạt mức cao nhất 77% vào cuối những năm 1970, sau đó giảm dần kể từ đó. Trong khi đó, tỷ lệ tài sản những người giàu có nhất kiểm soát lại tăng lên. Dữ liệu của FED hồi năm ngoái cho thấy lần đầu tiên sau ít nhất 3 thập kỷ, tầng lớp trung lưu Mỹ nắm giữ khối tài sản ít hơn 1% những người có thu nhập cao nhất.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế