Bloomberg: Samsung Electronics có lợi nhuận quý I thấp nhất trong 14 năm qua

Chia sẻ Facebook
07/04/2023 03:25:11

Theo Bloomberg, Samsung Electronics đang dự kiến sẽ có mức lợi nhuận thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tới nay, và có thể còn xa hơn thế. Nguyên nhân là nhu cầu về công nghệ đang dần chậm lại, dẫn tới thâm hụt tại bộ phận sản xuất bán dẫn của công ty.

Theo thông số ước tính của các nhà phân tích tại Bloomberg, nhà sản xuất vi mạch điện tử từ Hàn Quốc này, sau khi báo cáo kết quả tài chính sơ bộ cho quý 1 vào thứ Sáu vừa rồi, đang được cho là sẽ báo cáo mức lợi nhuận trước thuế và lãi giảm tới 90%, xuống còn 1.450 tỷ Won (tương đương 1.1 tỷ USD).

Theo Bloomberg, đây là mức lợi nhuận thấp nhất mà công ty này sẽ thu về tính từ năm 2009 tới nay. Nhiều phân tích dự báo lợi nhuận đặt con số này ở mức dưới 1.000 tỷ Won, một số ít khác còn dự kiến công ty này sẽ chỉ hòa vốn.

Mặc dù ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn lâu nay luôn được nhìn nhận là theo sát chu kỳ kinh doanh bùng nổ - suy thoái, ngành này đã vượt qua được cơn "đại nạn lịch sử" trong thời kỳ đại dịch Covid vừa rồi. Nhu cầu tiêu thụ tăng vọt trong thời gian đại dịch hoành hành khi người tiêu dùng mua mới điện thoại thông minh và máy tính, khiến các nhà sản xuất vi mạch như Samsung đẩy mạnh quy trình sản xuất. Nhưng mức bán ra này ngay lập tức rớt mạnh sau khi các lệnh cấm được dỡ bỏ và càng thu hẹp hơn trước lạm phát, lãi suất tăng và các chấn thương để lại cho nền kinh tế toàn cầu.


Kết quả là ngành công nghiệp sản xuất chip nhớ phải đối mặt với khác biệt khổng lồ giữa nhu cầu và nguồn cung. Lượng hàng tồn kho tăng vọt. Giá bộ phận DRAM và NAND rớt mạnh. Samsung, công ty có vai trò lớn nhất trong ngành sản xuất chip nhớ, dự kiến sẽ thua lỗ khoảng 2.7 tỷ USD tại bộ phận sản xuất bán dẫn của họ.
Lee Seung-woo, một nhà phân tích tại Eugene Investment & Securities, cho biết: “Vấn đề nổi cộm nhất hiện tại là lượng hàng chip tồn kho quá lớn. Để giảm thiểu lượng hàng tồn kho này, công ty sẽ phải giảm tốc độ sản xuất”.

Lượng chip xuất khẩu của Hàn Quốc giảm mạnh. Nguồn: Bloomberg.

Giá DRAM, một loại chip nhớ cho máy tính và điện thoại được sử dụng trong xử lý dữ liệu, rớt giá 20% trong quý đầu năm 2023 và được dự kiến sẽ rớt từ 10% tới 15% trong quý 2, theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce. Giá chip nhớ NAND rớt tới 15% và dự kiến sẽ rớt tiếp từ 5% tới 10% trong quý tới.

Baik Gilhyun, một nhà phân tích tại Yuanta Securities cho biết: “Giá chip nhớ rớt mạnh hơn các dự kiến của thị trường đối với quý đầu có nguyên nhân từ nhu cầu giảm mạnh. Giá sẽ tiếp tục giảm ở mức chậm hơn trong quý 2 này. Sẽ ít có khả năng giá sẽ giảm sau đó vì giá hợp đồng DRAM và NAND sẽ sớm chạm mức hòa vốn”.

Theo các dữ liệu được công bố bởi Bộ Thương mại Hàn Quốc, ,mức xuất khẩu chip của quốc gia này giảm 34.5% trong tháng 3 vừa rồi, sau một đợt giảm hơn 40% trong tháng trước đó. Tổng sản lượng xuất khẩu tới Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, giảm 33.4% khi quốc gia với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này bắt đầu trì trệ.

Sanjay Mehrotra, giám đốc điều hành của công ty sản xuất chip đối thủ Micron Technologies, trong tuần vừa rồi đã cho biết ông thấy lạc quan về khả năng thị trường sẽ phục hồi trong năm nay, hàng tồn kho sẽ giảm và nhu cầu sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sẽ phụ thuộc nhiều vào việc các nhà sản xuất chip lớn cắt giảm sản lượng. Theo ông, “quá trình phục hồi sẽ được tăng tốc nếu các công ty tiếp tục quyết định cắt giảm nguồn cung”.

Samsung vẫn đi ngược lại xu hướng này. Trong khi Micron, SK Hynix và Kioxia Holdings Corp đã cắt giảm nguồn đầu tư và sản lượng nhằm đối phó với giá chip tiếp tục giảm, nhà sản xuất chip số một thế giới này vẫn tiếp tục mạnh dạn chi tiền.

Samsung hiện đang được lãnh đạo bởi Jay Y. Lee, cháu trai của nhà sáng lập công ty, cho biết chiến lược của họ từ lâu đã là tiếp tục đầu tư trong thời kỳ suy thoái để củng cố vị thế cạnh tranh của mình. Phương pháp này có thể giúp họ chiếm thị phần và phát triển các công nghệ mới để đối đầu với các đối thủ như Hynix và Micron khi các công ty này không có điều kiện tài chính để theo kịp.

Tại thành phố Pyeongtaek, các công nhân của Samsung đang bận rộn xây dựng dây chuyền sản xuất chip khổng lồ thứ tư và đang dự kiến sẽ xây dựng thêm hai dây chuyền trước khi thập kỷ này kết thúc. Bên cạnh chip nhớ, Samsung đang tìm cách mở rộng bộ phận sản xuất chất bán dẫn của họ, hiện đang lép vế trước Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC). Samsung đã tuyên bố một khoản đầu tư trị giá 300.000 tỷ Won (tương đương 229 tỷ USD) để xây dựng một dây chuyền sản xuất chip khổng lồ tại Yongin trong hai thập kỷ tới.

Trong khi đối thủ và các nhà đầu tư đang thúc giục Samsung theo chân các đối thủ của họ và cắt giảm sản lượng, Samsung có vẻ đang quyết định đi ngược lại. Trong tháng 2 vừa rồi, ông Lee đã kêu gọi các giám đốc của công ty này “không nên bối rối” trước các thử thách của ngành công nghiệp này và tiếp tục đầu tư vào tương lai./.


Nguyễn Quang Minh

Chia sẻ Facebook