Bloomberg: FED cần giới đầu tư mất nhiều tiền nhất có thể!
Việc Chủ tịch FED tuyên bố muốn giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương đang cần các nhà đầu tư mất tiền.
Nhằm kìm hãm đà tăng lạm phát vốn đã chạm mốc cao kỷ lục trong 40 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đã tăng lãi suất từ mức thấp gần 0 lên hơn 3%. Quyết định mới nhất được đưa ra vào ngày 21/9, khi cơ quan này tuyên bố nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay.
Các dự báo kinh tế hàng quý của FED cũng được công bố cùng với quyết định về lãi suất, khi các quan chức FED dự kiến tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm mạnh xuống mức 0,2% trong năm nay, nhưng đạt 1,2% trong năm tới.
Chủ tịch FED, ông Jerome Powell, khẳng định sẽ tiếp tục hành động quyết liệt để hạ nhiệt nền kinh tế và tránh lặp lại tình trạng mất kiểm soát lạm phát như những năm 1970 và đầu những năm 1980. Tất cả các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cũng đã đi đến kết luận rằng không thể mạo hiểm để lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp. Lãi suất theo đó tiếp tục tăng trong năm 2022, năm 2023 và không hạ cho đến năm 2024.
"Việc khôi phục sự ổn định giá cả đòi hỏi chúng ta phải duy trì lập trường chính sách trong một thời gian. Lịch sử đã có nhiều bài học về việc nới lỏng chính sách quá sớm. FOMC sẽ hành động quyết liệt để giảm tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2%, đồng thời duy trì lãi suất ở mức cao cho đến khi mục tiêu hoàn tất", ông Jerome Powell phát biểu.
Thị trường nhanh chóng bước vào trạng thái trầm lắng - thời điểm các nhà đầu tư đặc biệt cân nhắc danh mục đầu tư của mình. Đòn bẩy chính sách của FED là lãi suất; và khi chúng tăng lên, giá trị các dòng tiền trong tương lai sẽ giảm xuống. Điều này sẽ tác động lên một loạt tài sản từ cổ phiếu, trái phiếu đến nhà ở và nhiều loại tiền tệ khác.
Chính vì vậy, việc Chủ tịch FED tuyên bố muốn giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương đang cần các nhà đầu tư mất nhiều tiền nhất có thể. Mục đích là để những thiệt hại thấm dần vào phần còn lại của nền kinh tế, trong bối cảnh vốn đầu tư và nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Cùng nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, khi FED thực thi những chính sách hoàn toàn trái ngược. Ngân hàng trung ương khi đó chủ trương đưa lãi suất về 0 để giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các hộ gia đình và doanh nghiệp lớn nhỏ. Năm đó, nợ hộ gia đình chiếm tới 97% tổng sản phẩm quốc nội; trong khi hiện tại đang ở mức khoảng 75%, thấp nhất trong vòng 20 năm.
Tuy nhiên, điều này khiến những người gửi tiết kiệm không mấy vui vẻ, bởi khoản tiền từng mang lại cho họ lãi suất 5% bỗng nhiên chỉ còn 1%. Lợi tức hàng năm của khoản tiết kiệm 50.000 USD theo đó giảm xuống chỉ còn 500 USD thay vì 2.500 USD như trước.
Đối tượng sống dựa vào lãi suất buộc phải suy nghĩ lại chiến lược đầu tư. Họ bắt đầu chuyển sang các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn như chứng khoán. Chỉ số S&P 500 đã tăng gấp bảy lần so với thời kỳ hậu khủng hoảng và chạm mức đỉnh vào tháng Giêng.
Khi lãi suất gần bằng 0, các tài khoản tiết kiệm thông thường chỉ trả lãi tối thiểu. Điều này khiến một số người mỉa mai rằng “tiền mặt chỉ là rác” và bắt đầu hướng sự quan tâm sang tiền số và cổ phiếu meme. Nền kinh tế như đón một làn gió mới, cho phép các công ty từ Amazon, General Motors đến Marriott thúc đẩy đầu tư vốn.
Chẳng hạn như vào đầu những năm 2010, BHP Billiton của Australia đã rót 20 tỷ USD vào các dự án dầu đá phiến của Mỹ. Thương vụ chắc hẳn đã hái quả ngọt khi giá dầu thô tăng lên hơn 100 USD/thùng, song lại có vẻ kém khôn ngoan khi giá giảm xuống chỉ còn dưới 30 USD. Dù sao thì đến năm 2017, BHP vẫn thu lãi hàng tỷ USD từ khoản đầu tư này khi dầu đá phiến tràn ngập thị trường.
Vào thời điểm đó, nền kinh tế Mỹ đã đi đúng hướng. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,3%, trong khi tiền rẻ đã phát huy đúng vai trò của nó. FED từ từ tăng lãi suất, song sớm nhận ra nền kinh tế vẫn còn quá yếu để có thể hấp thụ. Một chính sách đảo ngược đã được đưa ra vào năm 2019, sau đó mới đến các biện pháp kích thích hồi năm 2020 - thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Hiện tại, nền kinh tế có thể xử lý lãi suất cao hơn, trong bối cảnh lạm phát lần đầu tiên chạm mốc 8% sau 4 thập kỷ. Các nhà đầu tư nhanh chóng nhận ra “tiền mặt không còn là rác” mà trở thành loại tài sản quan trọng. Tưởng tượng xem vào mùa hè năm sau, khi ngân hàng tung ra lãi suất 5% cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 3 năm, tiền sẽ có giá như thế nào!
Theo Bloomberg, nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm giúp lạm phát giảm xuống mức có thể chấp nhận được, một loạt các cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện. Hiện tại, lợi suất trái phiếu kho bạc và trái phiếu đầu tư đang tăng lên. Cứ như vậy, đến một thời điểm nào đó, lợi nhuận từ những khoản đầu tư ít rủi ro sẽ trở nên hấp dẫn.
Hiện tại, thị trường phố Wall đang đi xuống. Chỉ số S&P 500 năm nay giảm hơn 20%, trong khi Nasdaq 100 lao dốc tới 30%. Việc một loạt các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực khiến các nhà đầu tư rút dần tiền khỏi cổ phiếu và các quỹ tương hỗ.
Dù không nói ra, nhưng FED chắc hẳn sẽ thấy hài lòng khi chính sách thắt chặt có điều kiện khiến lạm phát giảm. Tình trạng bán tháo sẽ sớm chấm dứt và khi đó, nước Mỹ sẽ có một chế độ đầu tư mới lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, theo Bloomberg.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh