Bloomberg: Cú sốc nguồn cung lớn khác sắp xảy ra, lần này là loại kim loại được sử dụng trong mọi thứ
Một số công ty khai thác và nhà giao dịch kim loại lớn nhất thế giới đang cảnh báo, chỉ trong vài năm tới, tình trạng thiếu hụt lớn đối với đồng sẽ xảy ra. Điều này có thể kìm hãm đà tăng trưởng toàn cầu, gây ra lạm phát khi đẩy chi phí sản xuất tăng cao và khiến mục tiêu khí hậu toàn cầu đi lệch hướng.
Đồng là kim loại được sử dụng trong mọi thứ từ chip máy tính, máy nướng bánh mì đến hệ thống điện và điều hoà không khí. Giá kim loại này đã giảm gần 1/3 kể từ tháng 3. Hiện tại, nhà đầu tư đang bán tháo hợp đồng giao dịch đồng, do lo ngại suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu với loại kim loại thường song hành với sự tăng trưởng.
Lượng đồng tồn kho được các sàn giao dịch theo dõi đang ở mức gần thấp nhất trong lịch sử. Ngoài ra, biến động giá gần đây cho thấy sản lượng khai thác mới có thể sẽ thấp hơn nữa trong tương lai gần. Chỉ vài ngày trước, tập đoàn khai thác Newmont đã tạm hoãn kế hoạch khai thác 2 tỷ USD vàng và đồng ở Peru. Còn Freeport-McMoRan - nhà cung cấp đồng lớn nhất thế giới, cảnh báo mức giá đồng hiện “không đủ” để hỗ trợ các khoản đầu tư mới.
Giới chuyên gia hàng hoá cũng cảnh báo về khả năng giá đồng đi xuống trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Và diễn biến mới nhất của giá đồng có thể gây căng thẳng cho vấn đề nguồn cung trong tương lai.
Tại sao đồng có vai trò quan trọng?
Đồng là kim loại rất cần thiết cho cuộc sống hiện tại. Trung bình, đồng chiếm khoảng 30kg trong 1 chiếc ô tô và 181kg trong các ngôi nhà.
Đồng thường được sử dụng để dẫn điện, cũng là “chìa khoá” cho “tương lai xanh” của thế giới. Dù phần lớn đều tập trung vào lithium, nhưng quá trình chuyển đổi năng lượng lại phụ thuộc nhiều bởi các loại nguyên liệu thô như niken, coban và thép.
Hàng triệu mét dây đồng sẽ rất quan trọng để củng cố mạng lưới điện của thế giới và việc xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời, gió cũng cần đến hàng tấn đồng. Thậm chí, xe điện còn sử dụng khối lượng đồng lớn gấp đôi xe chạy bằng xăng.
Tình trạng thiếu hụt sẽ trầm trọng đến mức nào?
Theo một nghiên cứu được S&P Global hỗ trợ, khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng từ điện, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ đẩy nhu cầu với đồng lên gấp đôi là 50 triệu tấn/năm vào năm 2035.
Trong khi đó, nguồn cung từ khai thác sẽ đạt đỉnh vào năm 2024, do các dự án khai thác mới trở nên khan hiếm và nguồn cung hiện tại cạn kiệt. Nghiên cứu trên cũng cho thấy, thế giới có thể sẽ thiếu hụt 10 triệu tấn đồng vào năm 2035. Goldman Sachs ước tính, các nhà khai thác phải chi khoảng 150 tỷ USD trong thập kỷ tới để giải quyết tình trạng thâm hụt 8 triệu tấn đồng.
Theo nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế, để xem xét mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu hụt đó, hãy nhìn vào năm 2021 khi thế giới thâm hụt 441.000 tấn đồng, tương đương chưa đến 2% nhu cầu. Điều này đủ để khiến giá tăng 25% trong năm đó. Trong khi đó, ở trường hợp xấu nhất, S&P 500 dự báo sự thiếu hụt của năm 2035 sẽ tương đương khoảng 20% mức tiêu thụ.
Giá đồng sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Goldman Sachs dự báo mức giá trên sàn London Metal Exchange (LME) gần như tăng gấp đôi lên mức trung bình hàng năm là 15.000 USD/tấn vào năm 2025. Ngày 21/9, đồng giao dịch ở mức 7.690 USD/tấn trên LME.
Đương nhiên, toàn bộ dự báo về nhu cầu ở trên đều được đưa ra dựa theo kịch bản các chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Nhưng khi bối cảnh chính trị có thể thay đổi, thì sẽ có một kịch bản khác với hoạt động sử dụng kim loại.
S&P Global cho biết, khi đồng được sử dụng nhiều hơn trong quá trình chuyển đổi năng lượng, thì cơ hội tái chế sẽ được mở ra, chẳng hạn trong trường hợp một số xe điện không còn được sử dụng. Ước tính, sản lượng đồng tái chế sẽ chiếm khoảng 22% thị trường đồng tinh chế vào năm 2035. Sung Choi - nhà phân tích tại BloombergNEF, cũng nhận định nguồn cung đồng tái chế sẽ giúp lấp đầy khoảng trống của hoạt động khai thác mỏ, đặc biệt khi giá tăng cao.
Trong khi đó, BHP Group - nhà khai thác mỏ lớn nhất thế giới, cho biết giá đồng sẽ trải qua “con đường gập ghềnh” vì lo ngại về nhu cầu. Citigroup cũng dự đoán giá đồng sẽ giảm trong những tháng tới do suy thoái kinh tế, có thể sẽ giao dịch ở mức 6.600 USD trong quý I/2023.
Ngoài ra, triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ kim loại nhiều nhất thế giới, cũng sẽ là động lực chính. Theo Timma Tanners - nhà phân tích tại Wolfe Research, nếu lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn chững lại, thì nhu cầu với đồng sẽ sụt giảm.
Song, ngay cả khi một cuộc suy thoái xảy ra, thì nhu cầu với đồng cũng khó có thể chững lại, theo BloombergNEF. Nguyên nhân là bởi nhu cầu trong tương lai sẽ tăng mạnh khi các chính phủ tập trung vào mục tiêu năng lượng xanh, điều này giúp giá đồng ít bị ảnh hưởng hơn bởi diễn biến nền kinh tế toàn cầu như trước đây.
Vì đâu mà nguồn cung thiếu hụt?
Hãy nhìn vào Chile, quốc gia từ lâu đã trở thành nhà cung cấp kim loại lớn nhất thế giới. Doanh thu từ xuất khẩu đồng của Chile đã đang đi xuống do những khó khăn trong sản xuất.
Tại các mỏ khai thác đã được phát triển, chất lượng quặng ngày càng giảm. Hơn nữa, số lượng dự án khai thác của ngành cũng ngày một ít đi. Tại Peru và Chile - cùng chiếm hơn 1/3 sản lượng toàn cầu, một số khoản đầu tư khai thác đã rơi vào tình trạng đình trệ, một phần do bất ổn trong quy định khi các chính trị gia tìm kiếm nguồn lợi nhuận lớn hơn nhằm giải quyết bất bình đẳng kinh tế. Lạm phát cao cũng làm tăng chi phí sản xuất - hiện cao hơn khoảng 30% so với năm 2018 ở mức khoảng 9.000 USD/tấn, theo Goldman.
Trong khi đó, việc khai thác và sử dụng đồng lại có một vấn đề mâu thuẫn. Đây là kim loại cần thiết cho “tương lai xanh”, nhưng việc đảo thải nó lại là quá trình “bẩn”. Bởi vậy, việc các dự án khai thác được phê duyệt cũng là một quy trình trắc trở.
Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng phải chịu áp lực về bảng cân đối kế toán và chi trả cổ tức cho nhà đầu tư thay vì chỉ chú ý đến tăng trưởng. Jefferies Group cho biết: “Việc sử dụng dòng tiền để thu hồi vốn thay vì đầu tư các dự án mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô mà thế giới cần để loại bỏ carbon.”
Nhưng ngay cả khi các nhà sản xuất thay đổi quan điểm và đổ tiền vào các dự án mới, thì thời gian khai thác mỏ mất nhiều thời gian sẽ khiến triển vọng nguồn cung bị hạn chế khá đáng kể trong thập kỷ tới.
Tham khảo Bloomberg