Bloomberg chỉ ra các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng tích cực đến chứng khoán Việt Nam
Bloomberg nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi với việc mở cửa trở lại thương mại và du lịch, tăng trưởng kinh tế đi lên và lợi nhuận doanh nghiệp đang được cải thiện. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán của Việt Nam đang xây dựng vai trò là nơi "trú ẩn" an toàn hơn các nước đang phát triển khác.
Chỉ số VN-Index đã tăng hơn 1% trong năm nay (tính đến cuối phiên 6/4). Các nhà quản lý quỹ cho biết chỉ số này chỉ kém 0,4% so với mức cao nhất mọi thời đại và có thể tiếp tục leo cao hơn nữa bất chấp lạm phát gia tăng và những ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga – Ukraine.
Giám đốc đầu tư của Dragon Capital, ông Bill Stoops cho biết, trung bình tăng trưởng lợi nhuận của 60 doanh nghiệp top đầu dự kiến sẽ đạt 23% trong năm nay. Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường như ngân hàng và công ty phát triển bất động sản thậm chí có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng 30% so với năm trước.
Ông Stoops chia sẻ, Dragon Capital hiện là quỹ đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với quy mô 6,4 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các công ty trong nước. Giám đốc đầu tư của Dragon Capital nhận định, thặng dư thương mại của Việt Nam và nợ nước ngoài thấp giúp bảo vệ nền kinh tế trước chi phí nhập khẩu gia tăng.
Chứng khoán Việt Nam vượt qua các thị trường châu Á mới nổi khác trong thời kỳ đại dịch (Nguồn: Bloomberg)
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết báo cáo KQKD quý 1 bắt đầu từ tháng này sẽ khả quan. Chính phủ Việt Nam dự kiến tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% trong năm 2022 khi các ngành như sản xuất và du lịch tiếp tục phục hồi. Năm ngoái, tăng trưởng GDP của Việt Nam là 2,6%.
Các nhà đầu tư vẫn đang nghiên cứu, đánh giá thị trường sau khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại của cho du khách nước ngoài sau hai năm áp dụng các hạn chế liên quan đến Covid-19.
Nhà quản lý quỹ Ruchir Desai của công ty Asia Frontier Capital có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, chứng khoán Việt Nam là lựa chọn hàng đầu trong danh mục của ông.
Ông Desai nhận định, thặng dư thương mại nhờ xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng sẽ cho phép Việt Nam kiểm soát được tác động của việc Mỹ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, theo ông Desai, căng thẳng ở Ukraine vẫn là một trong những rủi ro lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá thực phẩm và dầu mỏ cao hơn và cuối cùng có thể ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index vốn đã nhạy cảm với lạm phát.
Nguồn: Bloomberg
Theo Anh Tuấn
Nhịp Sống Kinh tế