Blogger Digital Marketing Lưu Thiện Ân: Sống ở Việt Nam, khởi nghiệp kinh doanh online tại Nhật Bản và cú ngoặt bất ngờ với Covid-19

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 12:53:53

Thật khó tin khi một người sống ở Việt Nam lại chọn khởi nghiệp kinh doanh online tại Nhật Bản như Lưu Thiện Ân. Tuy nhiên, sự lựa chọn lạ lùng này lại đem đến cho Lưu Thiện Ân một kết quả ban đầu ngoài mong đợi.


Kinh doanh online nổi lên từ đầu những năm 2011, 2012 và bùng nổ vào giai đoạn 2016-2017 nhưng đến tận cuối năm 2019 mình mới thực sự biết tới ngành này.

Bước chân vào thị trường muộn sẽ nhiều khó khăn hơn so với người khác tuy nhiên nó cũng mang lại cho mình nhiều lợi thế. Thời điểm đó rất dễ để có thể tìm thấy những tài liệu, bài viết chia sẻ hay những khóa học về Kinh Doanh Online trên các websites, kênh youtube hoặc các Fanpages và các KOLs trong ngành.

Cuối 2018 đầu 2019 hầu hết công việc kinh doanh online đều thực hiện trên 2 nền tảng chính là: Google và Facebook. Cá nhân mình cũng học theo mô hình này và tập trung trên Facebook.

Tuy nhiên, thị trường mình lựa chọn làm đầu tiên lại không phải là Việt Nam mà là Nhật Bản. Tình cờ mình có gặp được một bài bạn nói về việc bán hàng cho người Việt sinh sống tại Nhật Bản sau đó mình tìm hiểu và quyết định lựa chọn thị trường Nhật Bản để làm.

Bọn mình có 2 người, giai đoạn đầu chỉ có một mình biết về marketing vì thế mình phải làm hết từ: Website, làm media cho sản phẩm, làm nội dung, fanpage và bạn Founder còn lại chịu trách nhiệm sale và chăm sóc khách hàng

Ngày đầu tiên sau khi mình hoàn thiện mọi thứ và chạy quảng cáo thì kết quả lại ngoài mong đợi, khách hàng đặt mua rất nhiều thậm chí có những khách đòi chuyển khoản trước. Mình với bạn founder sướng quá nhảy lên ôm nhau.

Nói thật là trước đấy mình cũng không hi vọng nhiều vì có quá nhiều rào cản. Từ kho hàng, nhân sự, ngôn ngữ, chính sách pháp luật, vận chuyển mình đều không biết gì và không có ai để hỏi. Rồi 2 đứa cuống cuồng lên đi tìm cách nhập hàng, tìm đơn vị vận chuyển, rồi liên hệ nhờ người bên kia làm đại diện rồi tuyển người, thuê kho giúp mình. Cũng rất may mắn khi mà trong vòng hơn 2 tuần bọn mình đã tìm được cách giải quyết các vấn đề trên và những đơn hàng đầu tiên đã đến tay khách hàng.

Sau khoảng 3 tháng triển khai ở thị trường Nhật Bản mình bắt đầu tuyển dụng nhân sự mở rộng quy mô và triển khai thêm ở thị trường Hàn Quốc, Đài Loan.

Và câu chuyện bắt đầu thay đổi dần từ đây. Với 3 thị trường ngách quá bé bán cho người nhập cư tiếng Việt và Anh mình không thể phát triển công ty thêm được nữa. Đến 3/2020 sau hơn 1 năm team mình quyết định dừng lại tại thị trường này vì 5 lý do:

- Dịch covid hạn chế chuyến bay không thể vận chuyển hàng qua được (Hàng hóa bên mình đi đường bay)

- Xuất hiện khá nhiều team với cách làm tương tự, phá giá

- Thị trường quá bé không thể phát triển thêm

- Chi phí vận hành cao (Lương nhân sự, kho bãi)

- Quá nhiều mã sản phẩm và làm online nên gần như không thể quản lý

Sau khi dừng lại tại 3 thị trường này đầy tiếc nuối team mình cũng có một khoảng thời gian lao đao hơn một tháng vì không chuẩn bị kịp phương án. Team mình quyết định lựa chọn một thị trường khác vì xác định dịch còn rất dài.

Với những hạn chế cũ thì team đã quyết định chọn một thị trường mới là Việt Nam, và đó cũng là thị trường sáng nhất ở thời điểm đó:

Biên giới giáp Trung Quốc thuận tiện vận chuyển, có cả đường bộ, biển, máy bay và tàu hỏa.

Chi phí vận hành thấp hơn

Thị trường cũng rất lớn

Và quan trọng nữa là có thể trực tiếp điều hành

Tháng 4/2020 team mình bắt đầu triển khai ở thị trường Việt Nam với 5 nhân sự bao gồm cả 2 Founders. Khởi đầu của bọn mình rất thuận lợi khi đã có kinh nghiệm bán hàng ở một thị trường khó, công ty phát triển rất tốt, nhân sự đông lên, doanh thu cũng tăng vọt.

Nhưng chính từ đây mặc dù những thuận lợi như thế nhưng với cách làm cũ gần như việc bị sao chép sản phẩm, mô hình (trong ngành mình hay gọi là Clone Vít Đè) rất dễ vì gần như không có rào cản tham gia thị trường. Chỉ cần có ảnh sản phẩm là đối thủ có thể nhập hàng qua các đơn vị vận chuyển và 5-7 ngày là hàng đã ở kho Việt Nam.

Nói thật vào thời điểm đấy team mình cũng không nghĩ ra phương án nào khả thi cho việc chống clone vít đè như vậy, chỉ có cách duy nhất là hàng về thì cố bán thật nhanh cho hết. Vì nếu bạn nào đã từng làm Online trên Facebook rồi sẽ thấy dung lượng của một sản phẩm thường không quá lớn. Nếu có quá nhiều team cùng chạy một sản phẩm sẽ rất nhanh dẫn đến việc sản phẩm nát hay nó cách khác là chi phí quảng cáo tăng cao không đủ lợi nhuận thậm chí còn lỗ.

Có những thời điểm công ty bị SPY (một hoạt động tìm hiểu một số thông tin cơ bản về đối thủ như nội dung, dịch vụ, giá cả, hình thức chạy, lợi thế cạnh tranh của họ và mình,… với mục đích tối thượng để đưa ra ý tưởng phù hợp và hiệu quả hơn) quá nhiều. Hệ quả là mỗi một mã sản phẩm về đều cố gắng chạy trong 3-4 ngày cho hết hàng dẫn đến tình trạng có những ngày thì quá tải đơn hàng Phòng Sale và Kho không thể tải nổi, tỉ lệ chốt kém, gửi hàng đi nhầm lẫn nhiều; nhưng cũng có những ngày ngồi chơi dài cả ngày khiến team bị tụt năng lượng.

Đỉnh điểm là có một mã hàng Balo công ty mình làm việc với một xưởng sản xuất bên Trung Quốc. 3 lô hàng đầu chất lượng balo rất đẹp, đóng gói cẩn thận tuy nhiên lô hàng cuối thì sản phẩm dính quá nhiều lỗi: Bông ở trong quá ít, đường may ẩu chỉ thừa quá nhiều, tỉ lệ màu cũng sai, sai cả mã hàng.

Và đấy cũng là khoảnh khắc mình nhận ra cần thay đổi cách làm.


Mình bắt đầu dành thời gian và đầu tư chi phí cho bản thân và nhân sự công ty tham dự các khóa học về nhập hàng Trung Quốc, học cách làm OEM, Private Label và thương hiệu để bổ sung kiến thức cũng như tìm ra hướng đi mới cho công ty.

OEM: là mặt hàng được sản xuất bởi một nhà máy hoặc doanh nghiệp chuyên thực hiện các công việc như cung ứng sản phẩm và sản xuất theo đơn đặt hàng của đơn vị đối tác.

Private Label: Các sản phẩm được sản xuất hoặc cung cấp bởi một công ty => sau đó được dán nhãn thương hiệu của công ty khác

Sau vài tháng cân nhắc cuối cùng cả team quyết định lựa chọn dịch chuyển sang: Vừa làm OEM/ Private Label vừa làm cả những hàng không thương hiệu.

Công ty mình đã tập trung vào 5 việc sau:

Tập trung hơn vào nghiên cứu sản phẩm.

OEM/Private Label theo thương hiệu, mẫu mã riêng

Đăng ký bảo hộ thương hiệu

Ký kết hợp đồng độc quyền với nhà máy sản xuất

Build team Media Inhouse kết hợp outsource tự quay chụp sản phẩm

Một số buổi quay, chụp hình sản phẩm của công ty


Tuy nhiên để thực hiện được những việc trên thì sẽ tốn nguồn lực hơn rất nhiều:

Tốn nhiều thời gian và nguồn lực hơn cho việc RnD sản phẩm

Thời gian hàng về từ lúc tìm ra sản phẩm sẽ lâu hơn

Tốn thêm ngân sách vào team Media (so với trước đây team mình dùng 100% video của Trung Quốc)

Một số sản phẩm OEM/ Private Label đến thời điểm hiện tại đã làm hơn một năm nay và vẫn đang tiếp tục bán rất tốt nhưng không phải sản phẩm nào cũng nên làm OEM/ Private. Ví dụ: một số sản phẩm mang tính thời vụ, xu hướng cần tốc độ, việc làm OEM/ Private sẽ làm giảm tốc độ nhập hàng khiến vụt mất trends hoặc qua vụ.

Sau hơn 2 năm triển khai tại thị trường Việt Nam từ 5 nhân sự hiện tại NEMI có hơn 40 nhân sự. Bọn mình bắt đầu có những khách hàng trung thành, nhớ tên thương hiệu quay lại mua hàng điều mà trước đấy khi làm hàng không thương hiệu gần như rất ít và doanh số cũng bắt đầu ổn định hơn.

E-commerce là một thị trường có tốc độ phát triển, thay đổi quá nhanh và ít rào cản tham gia. Chỉ vài tháng thôi nếu như không update kịp xu hướng thì sẽ bị thụt lùi rất xa. Vì vậy, cá nhân mình luôn cố gắng dành thời gian để học tập, trau dồi thêm kiến thức, update xu hướng thị trường. Đồng thời cũng dùng một phần ngân sách để đầu tư phát triển, hoàn thiện đội ngũ nhân sự hơn và hướng tới một mô hình dài hạn, bền vững.

Đây cũng mới chỉ là bước đầu dịch chuyển và thành công nhỏ của NEMI, bản thân mình và công ty vẫn còn rất nhiều điểm yếu cũng như hạn chế cần tối ưu và học hỏi thêm. Tương lai xa, team mình muốn đưa NEMI trở thành một công ty vừa làm thương mại vừa có thể tự sản xuất nội địa để tối ưu hơn về nguồn lực cũng như hạn chế khi phụ thuộc 100% vào nguồn hàng Trung Quốc.

Bài: Lưu Thiện Ân Thiết kế: Hải An Theo Trí Thức Trẻ 21/04/2022

Bài: Lưu Thiện Ân Thiết kế: Hải An

Chia sẻ Facebook