Blog: Ông Tập Cận Bình sẽ không “chia tay” ông Putin
AFP đưa tin một số chuyên gia phương Tây tin rằng ông Tập nhiều khả năng sẽ không từ bỏ “người bạn cũ” Putin.
Tại cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Nga Putin diễn ra hồi tháng Hai năm nay ở Bắc Kinh, ông Tập đã lên tiếng về cái gọi là “hợp tác không có giới hạn” với Nga. Tuy nhiên, biểu hiện sau khi Nga xâm lược Ukraine cho thấy phải chăng đó chỉ là “ngôn từ ngoại giao” ?
Ông Tổng thống Nga Putin đang thúc đẩy cái gọi là “trưng cầu dân ý” về việc cho sáp nhập các khu vực của Ukraine do Nga chiếm đóng vào lãnh thổ Nga. Ngoài ra, ông Putin còn huy động thêm 300.000 binh sĩ dự bị đến chiến trường trong lệnh tổng động viên một phần. Điều kinh khủng hơn nữa là ông ta còn đe dọa vũ khí hạt nhân và xảo biện “chiến tranh xâm lược” thành “chiến tranh vệ quốc”. Lúc đầu, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình như đã tuyên thệ với ông Putin: “Hợp tác chiến lược Trung-Nga không có giới hạn” , nhưng giờ đây ông Tập không thể thực hiện lời hứa này với “người bạn cũ” ngày càng bị cô lập.
Tờ Le Monde của Pháp đã đăng một bài xã luận hôm thứ Năm, chỉ ra rằng: Được thúc đẩy từ hỗ trợ quân sự của phương Tây, cuộc phản công của Ukraine đã mang lại cho người dân hy vọng. Trung Quốc, nước thuộc cùng phe “xét lại” với Nga trong các vấn đề thế giới, đang bắt đầu cho thấy một số dấu hiệu khó chịu. Trước khi ông Putin kết thúc bài phát biểu ngất trời của mình, Bắc Kinh đã nhắc lại yêu cầu ngừng bắn, đồng thời nhắc lại tầm quan trọng của nước này đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, tất nhiên là bao gồm cả Ukraine.
Tuy nhiên, bất chấp lập trường không thoải mái hiện tại của ông Tập, AFP đưa tin một số chuyên gia phương Tây tin rằng ông Tập nhiều khả năng sẽ không từ bỏ “người bạn cũ” Putin. Về “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, ông Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây nói trước Liên Hợp Quốc với người đồng cấp là Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, “Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lập trường khách quan và công bằng, thúc đẩy các cuộc đàm phán cho hòa bình và hy vọng rằng tất cả các bên sẽ không từ bỏ các nỗ lực đối thoại, nhấn mạnh vào việc giải quyết các mối quan ngại về an ninh thông qua các cuộc đàm phán hòa bình”.
Điểm khác biệt duy nhất giữa phát biểu này của ông Vương Nghị và những gì ông ta nói hồi giữa tháng Hai là thay đổi ngôn từ: “Trung Quốc hiểu những lo ngại về an ninh của Nga” thành “giải quyết lo ngại về an ninh [của Nga] thông qua đàm phán hòa bình”.
Cả ông Tập và ông Putin đều đối đầu phương Tây và chỉ trích “bá quyền toàn cầu” của Mỹ. Trong gần năm qua, họ càng thân cận nhau hơn. Cho đến ngày 4/2, họ đã lên tiếng về cái gọi là “hợp tác không có giới hạn” khi hội ngộ tại Bắc Kinh. Chỉ sau đó 20 ngày, ông Putin phát động chiến tranh xâm lược Ukraine, việc ông Tập Cận Bình có bị ‘mắc lỡm’ ông Putin hay không luôn là một ẩn số.
Nhưng kể từ đó, Trung Quốc đã luôn thận trọng không cung cấp cho Nga bất kỳ hỗ trợ vật chất trực tiếp nào để tránh các lệnh trừng phạt có thể có của phương Tây.
Bản thân ông Putin cũng nhận thức được hạn chế này. Cách đây không lâu khi ông Putin gặp ông Tập tại Uzbekistan trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, ông ta đã công khai thừa nhận những lo ngại của Trung Quốc về cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Ông Putin nói với ông Tập: “Chúng tôi hiểu những câu hỏi và mối quan tâm của các bạn” . Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc sau cuộc hội đàm không đề cập đến Ukraine.
Người sáng lập Tổ chức tư vấn Globalization (Center for China and Globalization) có trụ sở tại Bắc Kinh là ông Vương Huy Diệu (Wang Huiyao) cho biết: “Tôi không thấy lập trường mới nào, Trung Quốc không ủng hộ chiến tranh, cũng không ủng hộ xung đột, vấn đề này rõ ràng ngay từ đầu”.
Có quan điểm cho rằng chắc chắn Trung Quốc muốn chiến tranh sớm kết thúc. Dù vậy, nhiều chuyên gia chỉ ra những thất bại gần đây của ông Putin ở Ukraine không khiến Trung Quốc lo lắng hoặc thay đổi bản chất của mối quan hệ. Yếu tố quan trọng trong quan hệ Trung-Nga vẫn là địa chính trị, bao gồm cả sự cạnh tranh với Mỹ.
Hơn nữa trong tư cách là nước láng giềng, khả năng tăng cường hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Nga là quan trọng hơn, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ một lượng lớn năng lượng giá rẻ của Nga, chiều ngược lại Nga có thể sử dụng thị trường Trung Quốc để bù đắp thiệt hại do đóng cửa thị trường châu Âu.
Giáo sư Tăng Nhuệ Sinh (Zeng Ruisheng), Viện trưởng Học viện châu Phi thuộc Đại học London (Anh), phân tích rằng điều quan trọng nhất đối với ông Tập Cận Bình là ông Putin không bị hạ bệ, hoặc không gây ra hỗn loạn có thể kéo theo thảm họa thứ cấp cho Trung Quốc, chủ yếu là về kinh tế. Ông nhận định chính sách đối ngoại của ông Tập là “Trung Quốc trên hết” .
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hầu như không đưa tin phát biểu của ông Putin về việc điều động quân dự bị của Nga tới chiến trường, trái ngược hoàn toàn với lên án kịch liệt của phương Tây. Tuy nhiên, nhiều bình luận về phát biểu của ông Putin (cả chỉ trích và tán thành) không bị xóa bỏ trên Weibo Trung Quốc.
Giáo sư Viên Kính Đông (Yuan Jingdong) tại Đại học Sydney (Úc), chỉ trích sự kiên trì không công khai biểu lộ của Trung Quốc, tức là không chỉ trích công khai Nga nhưng cũng như không bày tỏ thiện cảm với Ukraine, cố gắng không thể hiện tán thành với hành động của ông Putin. Ông nói: “Ở giai đoạn này, lựa chọn của Bắc Kinh dường như là để tránh rơi vào tình trạng hỗn loạn và nguy hiểm nghiêm trọng do việc Nga xâm lược Ukraine”.
An Đức Liệt
(Bài viết công bố trên Đài RFI, thể hiện lập trường của cá nhân tác giả.)
Nước Nga rồi sẽ đi đâu? “Nếu cô lập Nga, đẩy nước này ra khỏi phương Tây, thì Moscow chỉ có một hướng duy nhất để đi - đó là hướng đông, tới Trung Quốc”.