BlackRock tuyên bố đóng cửa Quỹ chứng khoán linh hoạt Trung Quốc
BlackRock tuyên bố đóng cửa Quỹ chứng khoán linh hoạt Trung QuốcLâm Yên •Thứ năm, 07/09/2023
Cụ thể, Quỹ Toàn cầu BlackRock (BGF) sẽ ngừng hoạt động sau khi tích lũy được 22,3 triệu USD tài sản kể từ khi ra mắt vào tháng 10/2017, trang web Beincrypto đưa tin.
Tin tức này được đưa ra ngay sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) hoãn quyết định về việc cho đăng ký Quỹ Giao dịch Trao đổi giao ngay Bitcoin (ETF) đến sau tháng 10. Việc trì hoãn này ảnh hưởng đến đăng ký của BlackRock cũng như những đăng ký của các công ty WisdomTree, Invesco Galaxy, VanEck, Bitwise được nộp vào đầu năm nay.
Ngày 29/8, Tòa phúc thẩm khu vực Washington D.C. đã ra phán quyết chống lại SEC, cho phép Grayscale Investments tiếp tục chuyển đổi Quỹ ủy thác Bitcoin của họ thành Quỹ Giao dịch Trao đổi giao ngay Bitcoin (ETF).
Trước đó SEC đã chặn Quỹ ủy thác Bitcoin niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York, gọi quỹ này là “tùy tiện và thất thường”.
BlackRock trả lời tin tức về việc đóng cửa “Quỹ chứng khoán linh hoạt Trung Quốc”, nói rằng do quy mô quản lý của Quỹ này hiện nay nhỏ, BlackRock đã đưa ra quyết định thanh lý quỹ sau khi xem xét đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư và cổ đông.
BlackRock cũng tuyên bố rằng việc thanh lý này là một phần trong hoạt động quản lý quỹ hàng ngày, công ty sẽ thường xuyên đánh giá các sản phẩm của mình để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư.
Chủ tịch Denise Voss của BlackRock giải thích quyết định đóng cửa Quỹ đầu tư linh hoạt Trung Quốc là do “thiếu sự quan tâm của nhà đầu tư mới” và triển vọng mờ mịt để phát triển. Ngoài ra, bà lưu ý rằng việc tiếp tục quản lý một quỹ nhỏ như vậy sẽ làm tăng chi phí và không mang lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông.
Từ ngày 24/8/2023, BlackRock đã ngừng cho đầu tư mới vào quỹ này.
Các cổ đông Trung Quốc có một số lựa chọn như chuyển sang quỹ BlackRock khác (miễn phí chuyển), hoặc mua lại trước ngày thanh lý (7/11).
Vấn đề từ Trung Quốc
Việc đóng cửa diễn ra sau những lo ngại ngày càng tăng về đầu tư của công ty Trung Quốc tại Mỹ. Vào tháng 8, Quốc hội Mỹ đã công bố một cuộc điều tra xem liệu các khoản đầu tư vào Trung Quốc của một số công ty đầu tư như BlackRock có liên quan đến an ninh quốc gia hay không.
Ngoài ra, Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày 9/8 nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ trong tương lai vào một số ngành công nghệ ở Trung Quốc.
Vào cuối tháng 7, Ủy ban đặc biệt của Hạ viện Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cáo buộc vấn đề BlackRock đầu tư vào các công ty Trung Quốc làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ, qua đó yêu cầu phải nộp các tài liệu liên quan đến cổ phần của công ty này tại Trung Quốc.
Nhìn chung, các quỹ tương hỗ và quỹ ETF của Mỹ đã đầu tư gần 294 tỷ USD vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc – theo dữ liệu của Bloomberg.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo cảnh báo trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước rằng các hành động cứng rắn của Chính phủ Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn hiện tại, khiến trong mắt các nhà đầu tư Mỹ thì Trung Quốc trở thành “không thể đầu tư”.
Tờ SCMP của Hồng Kông đưa tin, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại sâu sắc về việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát các vấn đề an ninh quốc gia, trong khi chờ đợi tác động của những thay đổi chính sách và các biện pháp hỗ trợ, họ đang kêu gọi nhà chức trách Trung Quốc tăng cường tính minh bạch để cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo Lâm Yên, Epoch Times
Nhà đầu tư Trung Quốc liên tục đổ vào quỹ nước ngoài để tránh rủi ro
Tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc chững lại đã khiến các nhà đầu tư trong nước mất niềm tin và liên tiếp đầu tư vào thị trường vốn nước ngoài.