Bitcoin tăng vọt, USD giảm, vàng đi lên khi thị trường thay đổi dự đoán về lãi suất của Mỹ

Chia sẻ Facebook
19/07/2022 08:48:51

Đồng đô la Mỹ giảm xuống mức thấp nhất một tuần so với rổ tiền tệ, giảm khỏi mức cao nhất trong hai thập kỷ đạt được vào tuần trước, do các nhà giao dịch giảm tỷ lệ đặt cược vào mức độ tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc nâng lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng này.

Các quan chức Fed hôm thứ Sáu (15/7) báo hiệu rằng họ có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại kỳ họp sẽ diễn ra vào các ngày 26-27 tháng 7, mặc dù chỉ số lạm phát cao gần đây vẫn có thể buộc họ phải tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến vào cuối năm nay.

Các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ đưa ra quyết định mua hay bán liên quan chặt chẽ đến chính sách ngắn hạn của Fed. Trong khi đó, Fed đã chuyển từ ý định tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm trong kỳ họp tới xuống mức 0,75 điểm phần trăm. Lãi suất của Mỹ càng tăng ít thì vàng càng có lợi, bởi lãi suất cao làm cho vàng trở nên kém sức hấp dẫn hơn so với USD do vàng không mang lại lãi suất.

Michael Brown, người đứng đầu bộ phận thông tin thị trường của Caxton ở London cho biết: "(Đó là) sự đảo ngược rõ ràng xu hướng giá so với tuần trước sau khi số liệu kỳ cho thấy thị trường hạ dự đoán về lạm phát của Mỹ (thông qua chỉ số niềm tin người tiêu dùng – Umich) và sau khi (Thống đốc Fed Christopher) Waller tỏ ra rất nghi về khả năng lãi suất sẽ tăng mạnh mẽ".

Kết quả khảo sát sơ bộ của Đại học Michigan (Umich) công bố hôm thứ Sáu (15/7) cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang tin rằng lạm phát trong vòng 5 năm tới sẽ ở mức 2,8%, thấp hơn mức 3,1% trong cuộc khảo sát hồi tháng 6/2022.

Thống đốc Fed, ông Waller, hôm thứ Năm (14/7) cho biết ông ủng hộ một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa trong tháng này. Đây là sự thay đổi đáng kể so với tỷ lệ đặt cược rằng lãi suất sẽ tăng 100 điểm cơ bản sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Tư (13/7) cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tháng 6 tăng với tốc độ 9,1% so với cùng kỳ.

So với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt, chỉ số Dollar index kết thúc phiên 18/7 giảm 0,48% xuống 107,32. Chỉ số này đã từng kết thúc phiên thứ Năm (14/7) ở mức đóng cửa cao nhất trong vòng 2 thập kỷ, là 108,65.

Mặc dù vậy, đồng USD vẫn được hỗ trợ từ dữ liệu hôm thứ Hai (18/7) cho thấy tâm lý của các nhà xây dựng Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 7, xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, do lạm phát cao và chi phí đi vay cao nhất trong hơn một thập kỷ khiến lưu lượng khách hàng trên thị trường này giảm sút nghiêm trọng.

Ông Brown của Caxton cho biết đồng USD yếu đi trong phiên vừa qua một phần cũng do hoạt động bán chốt lời sau đợt giá tăng mạnh gần đây.

Đồng euro, vốn chịu áp lực bán mạnh trong những phiên vừa qua do tâm lý không chắc chắn về khả năng suy thoái nguồn cung năng lượng trong khu vực đồng euro, đã tăng nhẹ sau khi một báo cáo của Reuters rằng hãng Gazprom của Nga đã tuyên bố ít nhất là cung cấp khí đốt cho châu Âu, một khách hàng lớn của họ, do điều khoản bất khả kháng.

Đồng euro kết thúc phiên 18/7 tăng 0,68% lên 1,0158 USD.

Đồng đô la New Zealand cũng tăng 0,02% sau khi kết quả lạm phát của nước này ở mức cao đáng báo động làm dấy lên suy đoán về việc ngân hàng trung ương New Zealand sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ hơn nữa, đẩy lợi suất trái phiếu tăng lên.

Đồng đô la Australia, được coi như một đại diện cho những tiền tệ rủi ro cao, tăng 0,32%. Các đồng tiền liên kết với hàng hóa cũng tăng giá sau khi chính phủ Trung Quốc thông báo chính sách hỗ trợ lĩnh vực bất động sản – động thái đẩy giá quặng sắt và đồng tăng lên, là những khoáng sản mà Australia xuất khẩu nhiều.

Sự suy yếu trên diện rộng của đồng đô la cũng giúp đồng bảng Anh tăng 0,75% lên 1,1959 USD, nhưng sự hồi phục của đồng tiền này bị hạn chế bởi rủi ro chính trị và lo ngại suy thoái dai dẳng ở Anh.

Tỷ lệ đặt cược và biến động tỷ giá đồng euro.


Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin phiên vừa qua tăng khá mạnh, thêm 4,57% lên 21.876,5 USD, kết thúc chuỗi giảm giá xuống dưới 20.000 USD trong tuần qua do hoạt động bán tháo.

Giá Bitcoin ngày 18/7.


Giá vàng đảo chiều tăng trở lại do đồng USD yếu đi trong bối cảnh thị trường giảm tỷ lệ đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 100 điểm cơ bản trong tuần tới.

Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,2% lên 1.709,87 USD/ounce, sau khi có thời điểm tăng 1%; giá vàng giao tháng 8/2022 tăng 0,4% lên 1.710,2 USD/ounce.

Tuần trước, giá vàng miếng đã chạm mức thấp nhất trong gần một năm do đồng USD tăng mạnh, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho biết các nhà đầu tư vàng hiện đang có chút lạc quan vì thị trường đang tranh luận về việc Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 hay 75 điểm phần trăm, chứ không phải 100 điểm. "Chúng ta đang chứng kiến ​​sự phục hồi khá tốt của vàng khi đồng đô la yếu đi", ông Moya nói.

Chỉ số đồng Dollar index phiên vừa qua đã giảm 0,7% trong khỏi mức cao nhất gần 20 năm.

Dữ liệu hôm thứ Sáu (15/7) cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã hạ mức đánh giá về lạm phát trong tháng 7, một diễn biến mà chắc chắn các quan chức Fed rất mong đợi, bởi lo ngại về lạm phát cao có thể làm cho nhiệm vụ kiềm chế giá cả của họ trở nên phức tạp.


Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Chia sẻ Facebook