Bitcoin đang trong giai đoạn nguy hiểm
Dù đã hồi phục nhẹ trở lại sau khi rơi xuống dưới ngưỡng 30.000 USD/đồng, nhưng theo chuyên gia, Bitcoin vẫn đang trong giai đoạn nguy hiểm.
Bitcoin hồi phục nhẹ sau ngày giảm kỷ lục
Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm nay (11/5), giờ Việt Nam, giá Bitcoin đã phục hồi phần nào sau khi giảm kỷ lục vào ngày trước đó. Thời điểm 11h, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới giao dịch ở mức 31.300 USD /đồng, tăng nhẹ 1,45% so với 24 giờ trước.
Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền áp sát ngưỡng 600 tỷ USD . Khối lượng giao dịch giảm 23,38% xuống còn 54 tỷ USD .
Tổng vốn hóa của thị trường tiền mã hóa nói chung cũng phục hồi 1,44% lên 1.420 tỷ USD . Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2, tăng 2,11%, đạt 2.361 USD /đồng.
Trước đó, ngày 10/5, đà bán tháo lan rộng khiến giá Bitcoin lao dốc mạnh, có thời điểm rơi xuống dưới mốc 30.000 USD /đồng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 20/7/2021.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian gần đây, giá Bitcoin ngày càng có sự tương thông với thị trường chứng khoán Mỹ. Đáng chú ý, đợt giảm lần này xuất phát từ việc chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số Nasdaq liên tục sụt giảm mạnh.
Ngoài ra, đồng Bitcoin và nhiều đồng tiền mã hóa khác đang phải chịu hàng loạt tác động do chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là nguyên nhân chính khiến thị trường tiền mã hóa biến động mạnh.
Bitcoin đang ở tình thế nguy hiểm
Ông Edward Moya, chuyên gia tài chính tại The Americas OANDA (có trụ sở ở Mỹ), cho rằng giá Bitcoin đã có thời điểm giảm xuống dưới mức 30.000 USD /đồng và nhanh chóng lấy lại mốc này. Tuy nhiên, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới vẫn đang trong giai đoạn nguy hiểm.
Cũng theo ông Moya, đà phục hồi của các cổ phiếu công nghệ Mỹ là tin tốt đối với Bitcoin. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng Phố Wall sẽ vẫn còn dè chừng cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát đi tín hiệu rằng đã kiểm soát được lạm phát.
"Đa phần giới đầu tư dồn sự chú ý vào những động thái của FED, nhưng các ngân hàng trung ương lớn ở châu Âu cũng có thể mạnh tay siết chặt chính sách tài chính và tiền tệ đáng kể trong thời gian tới", ông Moya nhận định.
Trong 2 năm qua, các chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ của những ngân hàng trung ương lớn trên khắp thế giới đã giúp tiền mã hóa và những loại tài sản rủi ro khác tăng trưởng phi mã.
Lãi suất thấp kỷ lục giúp chi phí cơ hội của những tài sản rủi ro như Bitcoin và cổ phiếu công nghiệp giảm đi, thu hút dòng tiền của giới đầu tư đổ vào các loại tài sản này.
Việc FED và các ngân hàng trung ương khác nâng lãi suất để đối phó với lạm phát đã triệt tiêu động lực tăng giá của Bitcoin. Đà bán tháo cổ phiếu công nghệ Mỹ cũng tạo thêm áp lực cho đồng tiền này.
Giá Bitcoin hiện đã giảm gần 55% so với mức đỉnh được thiết lập hồi tháng 11/2021. Đà giảm giá diễn ra trong bối cảnh chứng khoán và tiền số toàn cầu bị bán tháo nhiều ngày nay.
"Tiền số thường diễn biến tương tự chỉ số Nasdaq cho đến khi đạt điểm cân bằng mới. Tôi cảm thấy giao dịch sẽ còn mỏng, biến động nhiều hơn nữa trong ít nhất vài quý tới, rồi chúng ta mới chạm đến điểm cân bằng", tỷ phú đầu tư tiền số Michael Novogratz cảnh báo.
Dù vậy, một số chuyên gia khác cho rằng, đồng tiền mã hóa giá trị nhất thế giới sẽ sớm lấy lại động lực tăng trưởng nhờ cộng đồng Bitcoin đang phát triển nhanh chóng với sự đa dạng của những người đam mê tiền mã hóa trên khắp thế giới.
"Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đối mặt với ngưỡng kháng cự 32.500 USD /đồng trong ngắn hạn và tiếp theo là 35.000 USD /đồng. Còn mức hỗ trợ của Bitcoin là 28.500 USD /đồng", theo chuyên gia Moya.
Trong khi đó, Yuya Hasegawa, nhà phân tích thị trường tiền số tại sàn giao dịch Bitcoin Bitbank (Nhật Bản), cho rằng giá Bitcoin cần giữ trên mốc tâm lý 33.000 USD để không giảm sâu hơn nữa.