Bịt “lỗ hổng” về điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu
Không chỉ gây khó cho công tác quản lý, điều hành, quy đinh về điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu trong các Nghị định về kinh doanh xăng dầu được cho còn “lỗ hổng”…
Theo đó, để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, thời gian qua Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, có kiến nghị sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu đồng thời lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Không chỉ có vậy, Bộ này cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và đưa ra một số vấn đề cần sửa đổi như: chu kỳ điều hành giá xăng dầu; quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Được biết, sau khi có văn bản đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021. Ngày 21/11 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã gửi Thủ tướng Chính phủ về Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên, bên cạnh các đề xuất đã nêu được cơ quan quản lý đưa ra, góp ý sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, một số ý kiến cho rằng, cần xem xét sửa đổi các quy định về điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu để bịt “lỗ hổng” dẫn tới tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực này.
Thực tế, thời gian vừa qua, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu đã và đang diễn ra rất phức tạp, gây nhiều hệ lụy, làm thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng... Theo các chuyên gia, bên cạnh nguyên nhân từ sự liều lĩnh bất chấp các quy định của pháp luật nhằm kiếm lời bất chính của một số đối tượng, một phần nguyên nhân xuất phát từ những “lỗ hổng”, bất cập trong quy định của pháp luật. Trong đó, có thể kể đến “lỗ hổng” trong quy định về điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, kinh doanh xăng dầu là một loại hình kinh doanh có điều kiện, Thương nhân phải đáp ứng đủ các điều kiện như về cơ sở hạn tầng, kho chứa, phương tiện vận tải… theo quy định pháp luật, mới được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu – đây là bước sàng lọc đầu tiên.
Tuy nhiên, theo quy định tai Điều 7 Nghị định 83/2014 (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 95/2021 có hiệu lực từ ngày 02/01/2022), thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có các điều kiện như: Có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu bảy nghìn tấn (7.000 tấn), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng từ năm (05) năm trở lên;
Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu mười lăm nghìn mét khối (15.000 m3) để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu chở xăng dầu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác, thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm (05) năm trở lên (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/01/2022);… sẽ được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Các chuyên gia cho rằng, việc quy định cho phép doanh nghiệp phân phối xăng dầu có thể không cần đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi, kho chứa, hệ thống phân phối… mà chỉ cần thuê lại từ các đơn vị khác chính là “lỗ hổng” dẫn đến tình trạng cấp phép tràn lan, khó sàng lọc được các đối tượng lợi dụng “lách luật” để làm ăn không chân chính.
Chưa kể, trước những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian vừa qua, cũng cho thấy “năng lực” thực sự của một số doanh nghiệp sau khi được cấp phép kinh doanh, điển hình như Công ty CP Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Hải Hà tại Hà Nội, có đăng ký kinh doanh xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu. Thế nhưng, theo các báo cáo tài chính và thuế trong suốt 1 năm qua, doanh nghiệp này không có bất cứ các hoạt động mua, bán hay doanh số bán hàng nào.
Và trên thực tế, có không ít doanh nghiệp đã ký hợp đồng dịch vụ thuê kho, bồn, bể chứa, thậm chí thuê lại cửa hàng nhằm vượt qua quy định phải có cảng, kho chứa, hệ thống phân phối… để được cấp phép.
Liên quan đến những nội dung đã nêu, góp ý sửa đổi Nghị định số 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, tổ chức hệ thống phân phối hiện nay vẫn quy định các doanh nghiệp từ đầu mối đến bán lẻ, đến đại lý… nhưng lại gọi là “đồng sở hữu” các cơ sở kinh doanh, rồi đồng sở hữu kho… là không ổn.
Theo ông Thỏa, quy định “đồng sở hữu” nhưng lại không biết ai là chính nên dẫn đến trách nhiệm của các đồng sở hữu không rõ ràng.
“Do đó, để cải tiến hệ thống phân phối, cần bổ sung quy định: Nếu đơn vị nào có đủ điều kiện về cầu cảng về cơ sở hạ tầng về kho bãi, phương tiện vận chuyển thì khi đủ điều kiện sẽ kinh doanh và cần hạn chế đến mức thấp nhất chuyện “đồng sở hữu” để hệ thống không có sở hữu chéo, chồng chéo lẫn nhau, gây bất cập cho việc điều hành”, ông Thỏa bày tỏ.