Bình thường mới rồi, có cần đeo khẩu trang nữa không?
Phó giám đốc HCDC cho biết Bộ Y tế đang đề xuất áp dụng thông điệp V2K thay cho 5K. Trong đó biện pháp mang khẩu trang vẫn được khuyến cáo một cách mạnh mẽ để phòng chống dịch COVID-19.
Chiều 9-6, TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Thông tin tại họp báo, bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết hiện nay TP đang tiêm vắc xin mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm chủng cho người 12 - 17 tuổi và 5 - 11 tuổi chưa tiêm.
Tuy nhiên, bà Nga cho biết đến nay, tỉ lệ tiêm mũi nhắc lần 1 (mũi 3) còn chưa cao, chỉ đạt khoảng 63%, trong khi tiến độ tiêm mũi 4 khá chậm.
Do đó, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các địa phương tích cực tiêm vắc xin nhắc lại cho người dân. Bởi theo bà Nga, việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi các nước đang bước vào giai đoạn bình thường mới.
Tiêm mũi nhắc lại sẽ khôi phục khả năng miễn dịch vì các liều tiêm trước đây có thể đã suy giảm hiệu quả. Không chỉ vậy, dù Việt Nam đã kiểm soát được dịch nhưng ở một số nước đã ghi nhận biến chủng mới, bùng dịch trở lại.
Về câu hỏi khi dịch đã được kiểm soát thì việc mang khẩu trang có nên áp dụng nữa không, bà Nga cho biết trước đây có thông điệp 5K nhưng Bộ Y tế đang đề xuất áp dụng thông điệp V2K thay cho 5K. Trong đó vẫn áp dụng biện pháp đeo khẩu trang.
Bà Nga cho rằng khẩu trang là biện pháp dự phòng không dùng thuốc được nhiều quốc gia khuyến cáo áp dụng để kiểm soát dịch. Đeo khẩu trang sẽ giúp ngăn chặn việc phát tán virus.
Tiếp tục phối hợp công an xử lý vụ "hút máu tình nguyện viên hiến máu"
Thông tin về vụ việc xảy ra ở Viện Tim TP.HCM, bà Lê Thiện Quỳnh Như - phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết phẫu thuật tim là loại phẫu thuật mất nhiều máu và luôn yêu cầu phải truyền máu trong lúc phẫu thuật.
Số lượng bệnh nhân cần phẫu thuật tim tại Viện Tim là rất lớn, viện phải luôn đảm bảo cung ứng nguồn máu cho người bệnh được phẫu thuật. Ngoài nguồn máu nhận từ Bệnh viện Truyền máu - huyết học, viện chủ động vận động thêm người thân bệnh nhân hiến máu.
Theo bà Như, với bệnh nhân có người thân hiến máu thì không phải đóng chi phí và hoàn toàn không có yêu cầu phải bồi dưỡng cho người hiến máu. Trường hợp bệnh nhân không có người thân hiến máu, giám đốc Viện Tim TP.HCM khẳng định việc hiến máu không ảnh hưởng đến lịch phẫu thuật, bệnh viện luôn đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người bệnh.
"Lãnh đạo Viện Tim TP.HCM nhận thấy có sự thiếu sót trong việc giám sát người đến làm công tác thiện nguyện tại bệnh viện. Bệnh viện đã rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay", bà Như nói.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đã yêu cầu giám đốc Viện Tim TP và các bệnh viện trên địa bàn nghiêm túc rà soát, chấn chỉnh việc quản lý các hoạt động thiện nguyện tại đơn vị, tránh các trường hợp tương tự xảy ra.
Sở Y tế cũng yêu cầu lãnh đạo Viện Tim phối hợp với Bệnh viện Truyền máu - huyết học đảm bảo cung ứng máu; chỉ nên thực hiện quy trình hiến máu, lấy máu tại chỗ trong trường hợp tối khẩn cấp.
"Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TP, Hội Chữ thập đỏ xác minh kiểm tra làm rõ vụ việc; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm nếu có, báo cáo cho Thường trực UBND TP", bà Như nói.
Về tiền bồi dưỡng cho tình nguyện viên, ông Hoàng Trọng An nói “tùy gia đình”, ai muốn bồi dưỡng thì bồi dưỡng, không ép. Nhưng theo điều tra của Tuổi Trẻ, việc này là “luật bất thành văn” sau khi nhận máu hiến từ các tình nguyện viên.