Bình Thuận: Vì sao dự án kè sông Cà Ty giảm toàn bộ hợp phần kè?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, Kè sông Cà Ty là dự án quan trọng đối với sự phát triển của thành phố Phan Thiết.
Ngày 5/4, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Nguyễn Minh vừa chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về dự án Cải thiện môi trường các đô thị loại II - hợp phần tỉnh Bình Thuận vay vốn ADB.
Dự án cải thiện môi trường các đô thị loại II - hợp phần tỉnh Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất với quy mô đầu tư gồm 4 hợp phần: Bổ sung cống thoát nước mưa, nước thải cho khu vực trung tâm thành phố, cải tạo nâng công suất cho Trạm xử lý nước thải của thành phố Phan Thiết; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho phường Hàm Tiến, Mũi Né; Kè biển kết hợp đường quản lý, cứu hộ cứu nạn dọc đường Trần Lê chống xói lở, xâm thực ven biển và Kè, nạo vét hai bên sông Cà Ty đoạn từ cầu Dục Thanh đến cầu Cà Ty.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 132 triệu USD (khoảng 3.062,5 tỷ đồng), trong đó gồm vốn vay của ADB khoảng 80 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 13 triệu USD và vốn đối ứng khoảng 39 triệu USD.
Nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của quỹ DRIVE tăng từ 13 triệu USD thành 21,5 triệu USD so với ban đầu.
Thời gian qua, ADB đã có các buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố Phan Thiết và các Sở, ngành liên quan để thống nhất về phương án kỹ thuật của hợp phần kè bảo vệ bờ biển và việc áp dụng chính sách đền bù tái định cư của ADB cho các đoạn kè do tỉnh đầu tư.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Thuận và Đoàn công tác của ADB đã thảo luận thêm một số nội dung liên quan tới lộ trình thực hiện dự án.
Cụ thể: phạm vi và thiết kế kè sông Cà Ty; bảo vệ đường ven biển và chống xói lở bờ biển; ngân sách vận hành và bảo trì cho nuôi cát; kế hoạch tài chính; cập nhật lịch chuẩn bị và phê duyệt dự án.
Tại cuộc họp, đa số đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh cho rằng, dự án Kè sông Cà Ty là niềm mong muốn lớn của người dân Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.
Do đó, sau khi phân tích nhiều phương án thì các đại biểu thống nhất thực hiện phương án 3, là loại bỏ hoàn toàn hợp phần kè sông.
Đây là phương án có rủi ro thấp nhất. Đồng thời, thảo luận đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn cát...
Vì vậy, việc có được những khoản viện trợ này là rất cần thiết. Tuy nhiên, do chính sách khác biệt về đền bù, hỗ trợ và tái định cư giữa yêu cầu của ADB và các quy định của pháp luật Việt Nam, nên so với ban đầu, hiện dự án cũng đã được thống nhất giảm toàn bộ hợp phần kè sông.
Để chuẩn bị cho việc triển khai dự án đúng theo tiến độ mong muốn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Nguyễn Minh yêu cầu UBND thành phố Phan Thiết khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, sớm cung cấp quy hoạch phân khu cho đoàn công tác ADB.
Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm sớm thẩm định nội bộ để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc khai thác nguồn cát để thực hiện nuôi bãi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng quan tâm hướng dẫn việc áp dụng tiêu chuẩn định mức đối với thiết kế giải pháp xanh, thân thiện môi trường thuộc hợp phần kè biển kết hợp đường quản lý, cứu hộ cứu nạn dọc đường Trần Lê, chống xói lở, xâm thực ven biển để làm cơ sở thẩm định.