Bình Thuận tổ chức họp báo về dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét

Chia sẻ Facebook
08/09/2023 06:44:37

Về việc phá hơn 600ha rừng để làm hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp báo về để trả lời nhiều thông tin liên quan dự án này.

Ông Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận tại buổi họp báo ngày 7/9. (Ảnh: vtc.vn)

Chiều 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo về dự án hồ chứa nước Ka Pét và những thông tin trái chiều liên quan đến diện tích rừng làm dự án.

Tại họp báo,  ông Nguyễn Ngọc Đông – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (chủ đầu tư) cho biết tỉnh Bình Thuận chưa gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án hồ Ka Pét cho cơ quan thẩm tra do cần bổ sung hồ sơ về tác động của nguy cơ vỡ đập và đa dạng sinh học khu vực này.

Theo ông Đông, tháng 9/2020, dự án đã hoàn thành đánh giá báo cáo tác động môi trường (ĐTM) và trình Bộ TN&MT. Tuy nhiên, tháng 6/2023 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư so với trước nên phải cập nhật lại ĐTM.

Theo quy định mới nhất, công trình này phải bổ sung hồ sơ đánh giá nguy cơ vỡ đập ảnh hưởng đến công trình hạ du. Cùng với đó, hồ Ka Pét nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông mà theo quy định, dự án có trên 1ha thuộc khu bảo tồn phải nộp báo tác động đa dạng sinh học. Ban quản lý đã làm việc với đơn vị tư vấn lập ĐTM yêu cầu bổ sung 2 hồ sơ.

Ông Đông khẳng định năm 2018, tỉnh mời thầu công khai ĐTM dự án trên cả nước. Khi đó, 4 đơn vị mua hồ sơ nhưng chỉ 3 công ty tham gia đấu thầu.

Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương hồi tháng 6, chủ đầu tư đã làm việc với công ty tư vấn yêu cầu quan sát lại mẫu trong khu vực dự án, vì khảo sát cũ đã thực hiện từ năm 2017.


“Ban sẽ làm việc với đơn vị tư vấn và đánh giá năng lực xem có đảm nhiệm được việc đánh giá sự cố vỡ đập và đa dạng sinh học không. Nếu không phải tìm đơn vị khác” , ông nói và cho biết đến nay chưa nhận thông tin từ đơn vị tư vấn tạm dừng hợp đồng dự án ĐTM như một số báo chí nêu.


Lý giải về việc làm hồ chứa nước trong rừng tự nhiên, ông Nguyễn Công Thành – Viện đào tạo và Khoa học ứng dụng miền Trung (đơn vị chuyên môn tư vấn cho tỉnh Bình Thuận) khẳng định “không còn lựa chọn nào khác”.

Các công trình thủy lợi trong khu vực Hàm Thuận Nam hầu hết là công trình nhỏ, không đảm bảo khả năng điều tiết nên không đủ nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Hiện, lượng nước chỉ đáp ứng 13,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (hơn 6.000 ha).

Báo chí đặt câu hỏi tại sao không kết nối hoặc cải tạo hồ xung quanh Hàm Thuận Nam để nâng cao dung tích chứa, thay vì xây dựng thêm hồ Ka Pét. Ông Thành lý giải việc cải tạo hồ liên quan đến an toàn công trình vì phải nâng cấp đập tràn, xả lũ. Việc tạo liên thông giữa các hồ phụ thuộc vào điều kiện địa hình. Ví dụ, không thể kết nối hồ từ hạ du lên thượng lưu, mà chỉ có thể làm ngược lại.


Trả lời những câu hỏi về phương án khai thác rừng, triển khai dự án, ông Lê Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở NN &PTNT Bình Thuận cho biết: “ Về phương án khai thác, sau khi hoàn tất cả thủ tục, chúng tôi sẽ thuê đơn vị tư vấn, thẩm định để phân loại các loại cây rừng, rồi sẽ tổ chức đấu giá để bán. Những khu vực nào thuận lợi sẽ bán đấu giá khai thác sớm để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, và các phần khác sẽ đấu giá cuốn chiếu”.


Khánh Vy (t/h)

Bộ NN&PTNT vào Bình Thuận kiểm tra vụ chuyển hơn 600ha đất rừng làm hồ

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết ngày 6/9 sẽ vào Bình Thuận để kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng hơn 600ha đất rừng để làm hồ thủy lợi Ka Pét.

Chia sẻ Facebook