Bình Thuận tập trung đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 11:54:37

UBND tỉnh Bình Thuận xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Với mục tiêu đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao, sớm đưa công trình vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân đến ngày 10/4/2022 là 1.227.184 triệu đồng đạt 25,49% kế hoạch, tăng 17,2% so với quý I/2021 (giải ngân quý I/2021 là 8,29%).

Cụ thể: Vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đến ngày 10/4/2022 là 865.677 triệu đồng, đạt 50,56% kế hoạch; Vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước giải ngân 135.939 triệu đồng, đạt 27,85% kế hoạch; Vốn từ nguồn thu sử dụng đất khối tỉnh giải ngân 68.734 triệu đồng, đạt 10,41% kế hoạch; Vốn xổ số kiến thiết giải ngân 154.366 triệu đồng, đạt 11,61% kế hoạch; Vốn ngoài nước (ODA) giải ngân 2.468 triệu đồng, đạt 1,34% kế hoạch; Riêng vốn từ nguồn thu sử dụng đất khối huyện, đến nay chưa giải ngân.

Đối với các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, theo Nghị quyết 54/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công ngân sách tỉnh năm 2022 xác định có 09 công trình trọng điểm của tỉnh, với tổng kế hoạch vốn năm 2022 là 576.000 triệu đồng, giải ngân đến 10/4/2022 là 91.697 triệu đồng, đạt 15,92% kế hoạch vốn. Đối với các dự án như trục đường ven biển đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện), ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà), đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B). Đây là những dự án trọng điểm, có tính chất kết nối, thúc đẩy phát triển vùng của tỉnh, do đó đã được UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm đôn đốc đẩy mạnh tiến độ thực hiện.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư công, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân tốt kế hoạch đầu tư công. Chú ý tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; trong đó, trọng tâm các lĩnh vực chính là giao thông, thủy lợi, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và chỉnh trang đô thị.

Từ đầu năm 2022 đến ngày 30/3, tỉnh Bình Thuận đã giải ngân 1.143 tỷ đồng, đạt 24,7% kế hoạch năm (Ảnh: Báo Đầu tư)

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh, các Quyết định của UBND tỉnh: Số 3573/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 về việc giao kế hoạch đầu tư công và danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh năm 2022, số 3697/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 về việc giao kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2022 và số 693/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 về việc giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách trung ương cho danh mục dự án thuộc ngành quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể từng dự án theo từng tháng và cả năm ngay từ đầu năm 2022 để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu…; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm. Chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý cụ thể, cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư.

Chia sẻ Facebook