Bình quân mỗi người dân gánh trên 35 triệu đồng nợ công năm 2020
Số nợ công có xu hướng tăng dần qua các năm khi năm 2020 là 35,1 triệu đồng/người, song nhờ kiểm soát bội chi và cơ cấu lại nợ công, tỉ lệ này đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020.
Chiều 23-5, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 xin ý kiến Quốc hội xem xét, phê chuẩn, bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay tổng số thu ngân sách là 2,27 triệu tỉ đồng, tổng chi ngân sách là 2,35 triệu tỉ đồng.
Quyết toán bội chi ngân sách nhà nước là 216.405 tỉ đồng, thấp hơn so với mức bội chi mà Quốc hội cho phép là 368.300 tỉ đồng.
Bộ trưởng Tài chính đánh giá việc phân bổ và sử dụng ngân sách có nhiều đổi mới khi khoản chi đầu tư cho phát triển đã đạt trên 2,2 triệu tỉ đồng (kế hoạch là 2 triệu tỉ đồng). Ưu tiên thực hiện các chủ trương, định hướng lớn về an sinh xã hội, chuẩn nghèo, đảm bảo nhiều lĩnh vực quan trọng.
Bội chi ngân sách được quản lý, điều hành chặt chẽ với 3,37%, giảm so với giai đoạn trước. Nhờ kiểm soát bội chi và cơ cấu lại nợ công, tỉ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020.
Tuy nhiên trong báo cáo kiểm toán, Tổng kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh lưu ý việc lập dự toán thu ngân sách chưa sát với khả năng nguồn thu, đặc biệt là thu từ tiền sử dụng đất, dự toán chỉ bằng 72% so với ước thực hiện hay dự toán hoàn thuế GTGT chưa sát nên số phải hoàn vượt dự toán.
Dự toán chi cho đầu tư phát triển cũng phải điều chỉnh 3 lần về kế hoạch vốn. Vẫn có trường hợp giao kế hoạch vốn chậm, điều chỉnh nhiều lần, chưa phù hợp quy định, chưa bố trí đủ, thậm chí không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho một số dự án đã hoàn thành.
Còn tình trạng giao dự toán chi thường xuyên phân bổ chưa đầy đủ cơ sở, không phân bổ hết dự toán theo quy định. Trong khi đó, một số khoản thu từ sản xuất kinh doanh đều hụt, khoản thu từ các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 37,1% so với dự toán.
Về nợ công, báo cáo kiểm toán cho hay dư nợ công đến 31-12-2020 là 3,52 triệu tỉ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP).
"Như vậy, nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người, có xu hướng tăng qua các năm khi năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người" - cơ quan kiểm toán đánh giá.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách do Phó chủ nhiệm Nguyễn Thị Phú Hà trình bày cũng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, làm rõ tồn tại, hạn chế, đặc biệt với công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất hàng năm không sát, dẫn đến vượt thu lớn, bị động trong quản lý, không phát huy được hiệu quả đầu tư từ nguồn này.
Đối với hoạt động chi đầu tư phát triển, báo cáo thẩm tra lưu ý những vi phạm trong phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư nguồn ngân sách nên trong trường hợp quyết toán, nếu khoản chi nào không đúng quy định cần yêu cầu cắt giảm, hủy bỏ, thu hồi và xử lý. Tập trung thực hiện quyết toán các dự án hoàn thành, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ việc thanh, quyết toán…
Tổng thu ngân sách 5 năm 2016 - 2020 đạt trên 6,9 triệu tỉ đồng, bằng 100,8% kế hoạch. Có 19 địa phương đạt quy mô thu ngân sách trên 15.000 tỉ đồng, 30 địa phương thu trên 10.000 tỉ đồng và 17 địa phương thu ngân sách dưới 5.000 tỉ đồng.
Thống kê hiện cho thấy tổng nợ khu vực tư rơi vào khoảng 138-140% GDP nền kinh tế. Mức nợ tư này tương đối cao so với khu vực tư của nhiều nước. Nếu khu vực tư không trả được nợ sẽ là vấn đề lớn.