Bình Phước sẽ có thêm tuyến cao tốc tỷ USD thứ 2 sau tuyến Tp.HCM – Chơn Thành
Tại buổi làm việc mới đây, lãnh đạo 2 tỉnh là Đắk Nông và Bình Phước, cùng các sở, ngành đều khẳng định tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành sẽ tạo không gian phát triển cho 2 địa phương, đáp ứng sự mong đợi của người dân 2 tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho rằng, tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành là điểm nối Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, là tuyến đường không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn là con đường nghĩa tình.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, với sự quyết tâm chính trị cao của cả 2 tỉnh, việc quy hoạch tuyến cao tốc ở giai đoạn 2021-2030, nhưng hiện đã được Trung ương thống nhất thực hiện ở giai đoạn 2021-2025 là một thành công rất lớn của Bình Phước và Đắk Nông. Ông Cường nói rằng đây là cơ hội góp phần đảm bảo hạ tầng giao thông, kết nối vùng, tạo động lực để 2 tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Tỉnh Bình Phước luôn quyết tâm cao trong quá trình thực hiện tuyến đường chiến lược này; đồng thời chủ động trong tất cả các phương án.
Cũng liên quan đến tuyến cao tốc này, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đắk Nông – Chơn Thành theo phương thức PPP. Đây là lần đầu tiên, SCIC xem xét đến việc tham gia đầu tư một công trình hạ tầng đường cao tốc theo hình thức PPP.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, để rút ngắn tiến độ triển khai nhằm sớm đưa dự án vào vận hành, SCIC đề xuất Bộ Giao thông vận tải thực hiện bước "khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án PPP" theo quy định tại Điều 25 - Nghị định 35/2021/NĐ-CP.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đắk Nông – Chơn Thành có điểm đầu tại vị trí giao Quốc lộ 14 với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; điểm cuối tại ranh giới giữa xã Đắk Sin, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông và xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Đắk Nông.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã có ý kiến về việc điều chỉnh hướng tuyến, qua đó rút ngắn chiều dài đoạn tuyến qua tỉnh Bình Phước và giảm chi phí đầu tư cho đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh này. Theo phương án hướng tuyến do tỉnh Bình Phước đề xuất, tống mức đầu tư toàn dự án là 26.631 tỷ đồng.
Dồn lực phát triển hạ tầng, cao tốc cho Bình Phước
Là một trong những địa phương mũi nhọn phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam, Bình Phước đang được Chính phủ dồn lực để phát triển hạ tầng, cao tốc.
Đánh giá đây là một trong những địa phương đi đầu trong tiến trình phát triển của cả nước, những năm qua, Chính phủ luôn có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ thúc đẩy phát triển hạ tầng, cao tốc để đẩy mạnh tăng trưởng cả về kinh tế - xã hội.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng; nhiều lợi thế để phát triển như đất rộng người thưa, địa hình tương đối bằng phẳng, thời tiết thuận lợi… Do đó, Bình Phước có đủ điều kiện để phát triển thành một tỉnh phát triển tương đối toàn diện, tỉnh phải tìm cách phát triển nhanh nhưng bền vững.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trước mắt là giao thông đường bộ và đặc biệt là đường cao tốc. Muốn vậy, các địa phương cần tập trung ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt và kích hoạt các nguồn vốn khác, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội.
Đối với các đề xuất của tỉnh, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, làm việc với Bình Phước, Đồng Nai và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cơ bản đồng ý với các kiến nghị liên quan việc triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)… Trong đó, Thủ tướng lưu ý Bình Phước cần chủ động giải phóng mặt bằng để thu hút nhà đầu tư.
Bình Phước là tỉnh rộng nhất vùng Đông Nam Bộ, sở hữu 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng. Để khai thác tối đa những lợi thế của tỉnh, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được quy hoạch và từng bước đầu tư đồng bộ. Trong đó, điển hình như cao tốc Tp.HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông với tổng mức đầu tư khoảng 24.275 tỷ đồng; tuyến Ðồng Phú - Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.253 tỷ đồng; dự án đường sắt Dĩ An - Hoa Lư với tổng vốn đầu tư 948,6 triệu USD; quốc lộ 14 C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước, Tây Ninh, Long An với tổng kinh phí đề xuất nâng cấp là 280 tỷ đồng.
Cùng với đó là phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt… nhằm tạo lợi thế cho xuất, nhập khẩu hàng hóa trong vùng và các nước trong khu vực. Đây cũng là các yếu tố khiến thị trường BĐS khu vực này đang nhận được sự quan tâm các của nhà đầu tư thời gian qua.