Bình Phước: Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện đầu tiên của miền Nam

Chia sẻ Facebook
08/04/2022 07:29:00

Ngày 7-4, tại hội trường Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đã diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Lộc Ninh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh - Ảnh: A LỘC

Tham dự buổi lễ có Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Trưởng Ban Dân vận trung ương Bùi Thị Minh Hoài cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành trung ương và tỉnh thành lân cận.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Lê Trường Sơn - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh - cho biết ngày này cách đây đúng 50 năm (ngày 7-4-1972) là ngày thắng lợi mở màn "chiến dịch Nguyễn Huệ" giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh. Đây là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng.

Sự kiện này đã tạo nên sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên trên toàn mặt trận, góp phần tăng thêm thế và lực trên các lĩnh vực đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

"Sau ngày giải phóng, Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi đặt căn cứ của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và trụ sở làm việc của các phái đoàn quân sự 4 bên. Chính tại đây đã diễn ra sự kiện đón khoảng 3.000 người con ưu tú của Tổ quốc từ các nhà tù của chế độ Mỹ - ngụy trở về" - ông Sơn nói.

Sân bay Lộc Ninh - nơi diễn ra sự kiện đón khoảng 3.000 người con ưu tú của Tổ quốc từ các nhà tù của chế độ Mỹ - ngụy trở về - Ảnh: A LỘC

Tại buổi lễ, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đánh giá Lộc Ninh là vùng đất phên giậu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc. Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, được tạo dựng, bồi đắp bằng trí tuệ, ý chí, sự cống hiến và hy sinh của nhiều thế hệ.

Trong chiến tranh chống Mỹ, Lộc Ninh là một chiến trường khốc liệt, có vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và là điểm cuối của đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đóng vai trò quan trọng của huyết mạch nối hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam.

Năm 1972, Lộc Ninh là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là căn cứ của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa xuân 1975.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Lộc Ninh đạt được trong chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh Bình Phước và của cả nước.

6 xã, thị trấn thuộc huyện Lộc Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã an toàn khu - Ảnh: A LỘC

Phó thủ tướng nhận định trong thời gian tới, Lộc Ninh đứng trước những thời cơ, có những điều kiện thuận lợi mới, cần được tận dụng tốt, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu đề ra để vươn lên mạnh mẽ.

Trên tinh thần đó, Phó thủ tướng đề nghị huyện Lộc Ninh tiếp tục giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; triển khai hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản đối với sự phát triển.

Đặc biệt, thực hiện thành công 3 chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu và du lịch. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới. Gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị to lớn của các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích cách mạng để Lộc Ninh là một "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, nhất là thế hệ trẻ...


Đời sống người dân đổi sắc thay da

Ông Nguyễn Mạnh Cường - bí thư Tỉnh ủy Bình Phước - chia sẻ tháng 1-1997, tỉnh Sông Bé được tách ra thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Sau 25 năm tái lập tỉnh, từ một trong những tỉnh nghèo của cả nước, bằng sự nỗ lực phấn đấu và quyết tâm chính trị cao, đến nay Bình Phước đã và đang ngày càng đổi sắc thay da.

Cụ thể, trong năm 2021, thu ngân sách của tỉnh đã đạt 13.675 tỉ đồng (tăng gấp 79 lần), thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng (gấp 29 lần) so với 25 năm trước. Toàn tỉnh đã có 70/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn. "Có thể nói, Bình Phước đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành tỉnh phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" - ông Cường nhận định.

Ngày 6-4, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà nhân dân điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, Bình Phước.

Chia sẻ Facebook