Bình Dương vươn lên trở thành điểm sáng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Với nhiều thành tựu quan trọng, tỉnh Bình Dương đang thuận lợi tiến tới mục tiêu trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Sau 25 năm được tách ra từ tỉnh Sông Bé, là một tỉnh có ít tài nguyên thiên nhiên, không có sân bay và cảng biển, nhưng tới nay Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc trong việc phát triển kinh tế – xã hội.
Trong năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,62% (kế hoạch tăng 8,5 - 8,7%); GRDP bình quân đầu người đạt 152,25 triệu đồng (kế hoạch 161,8 triệu đồng); cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 67,91% - 21,31% - 3,1% - 7,67% (kế hoạch 65,1% - 23,73% - 3,17% - 8,0%).
Trong lĩnh vực công nghiệ, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% so với năm trước (năm 2020 tăng 8,02%, KH 2021 tăng 9,2%); trong đó: khai khoáng giảm 35,7%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 2,8% và cung cấp nước tăng 1,3%. Sản lượng điện thương phẩm ước đạt 14 tỷ KWh, giảm 1,6% so với năm 2020; duy trì tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,99%.
Về khu công nghiệp, Bình Dương tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư các khu công nghiệp đã được quy hoạch. Trong năm, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đạt 5.698 tỷ đồng; cho thuê lại đất với tổng diện tích 160ha, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1 tỷ 700 triệu đô-la Mỹ (chiếm 82% toàn tỉnh) và 3.104 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân 2 tỷ 073 triệu đô-la Mỹ, doanh thu đạt 35,1 tỷ đô-la Mỹ, xuất khẩu đạt 20,9 tỷ đô-la Mỹ. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp (trong đó 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động), diện tích 10.963ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 88,13% và 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 790ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 67,4%.
Trong những tháng đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trên các ngành, lĩnh vực, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã phối hợp nghiên cứu triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022 của Bình Dương có chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch. Nổi bật trong phát triển kinh tế của tỉnh là thu hút đầu tư, xây dựng thành phố thông minh, các dự án giao thông quan trọng.
Trong đó, tiêu biểu như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,6%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 9,8%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,1%, thu ngân sách ước đạt 28% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao…
Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư của tỉnh đạt kết quả tốt. Cụ thể, đầu tư trong nước (tính đến 15-3) đã thu hút 15.800 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 55.267 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 546 nghìn tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài (tính đến 18-3) đã thu hút hơn 1,68 tỷ USD, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 4.050 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 39,4 tỷ USD.
Ông Mai Bá Trước-Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2022, Bình Dương dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đạt 2,32 tỉ đô la Mỹ.
Theo ông Trước, các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư và hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đa dạng loại hình, cảng, đường cao tốc, đường sắt... đã và đang được triển khai, Bình Dương đang đứng trước những thời cơ mới, thu hút mạnh vốn đầu tư chất lượng cao. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có tính chiều sâu hơn, đem lại giá trị cao hơn.
Từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh còn dưới 1%. Năm 2019, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch đề ra trước một năm. Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, đạt 82% vào năm 2020, cao hơn gấp 2,5 lần so với trung bình của cả nước.
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều kết quả quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, không ngừng ra sức phấn đấu để Bình Dương không ngừng phát triển. Nhận thức về mối quan hệ giữa kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã có sự đoàn kết và nhất trí cao trong phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Tại hội thảo "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng" do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức UBND tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 20/4, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đã khẳng định cùng với tiến trình Đổi mới của đất nước, tiếp nối thế hệ những địa phương đi đầu (như TP. Hồ Chí Minh) trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường, Bình Dương đã trở thành một hình mẫu về mở cửa, thu hút đầu tư và tiến hành công nghiệp hoá, đô thị hoá. Sự phát triển của Bình Dương không chỉ mang lại những kinh nghiệm quý báu mà còn là động lực và nguồn cảm hứng to lớn cho các địa phương khác vươn lên.