Bình Dương sắp soán ngôi Quảng Ninh, thành tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước!
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã lấy ý kiến về Đề án thành lập thành phố Bến Cát và thành phố Tân Uyên.
Theo Đề án, thị xã Tân Uyên nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với thành phố Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thuộc tỉnh Đồng Nai và với các huyện, thị, thành phố đang phát triển của tỉnh Bình Dương như các thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên. Với vị trí địa lý đặc biệt, thị xã Tân Uyên trở thành địa bàn quan trọng của tỉnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội, rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành như công nghiệp, dịch vụ, thương mại...
Việc thành lập thành phố Tân Uyên là cơ sở để thị xã tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040 cũng như thu hút các dự án đầu tư để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đô thị và hiệu quả quản lý.
Theo UBND tỉnh, thị xã Tân Uyên đạt 5/5 tiêu chuẩn thành lập thành phố thuộc tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về: Quy mô dân số đô thị; diện tích tự nhiên; số đơn vị hành chính trực thuộc; đã được công nhận đô thị loại I, loại II hoặc loại III; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan này cũng cho biết 99,88% cử tri tán thành Đề án thành lập thành phố Tân Uyên.
Trong khi đó, thị xã Bến Cát nằm ở trung tâm tỉnh Bình Dương, nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, đô thị hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Bình Dương và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong những năm qua, thị xã Bến Cát đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất (giá thực tế) trên địa bàn đạt 198.367 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.867,66 tỷ đồng, tăng 9% so với dự toán tỉnh giao năm 2020. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên 300 triệu USD và phát triển mới khoảng 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giai đoạn 2016 - 2020, thị xã Bến Cát đã đầu tư hoàn thành 98/138 công trình, dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, thị xã còn duy tu sửa chữa, đầu tư nâng cấp 306 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 251km, tổng vốn đầu tư khoảng 341 tỷ đồng. Hệ thống chiếu sáng được đầu tư cho 499 tuyến, tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, nâng tổng chiều dài tuyến đường được chiếu sáng khoảng 408km. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu nhà ở cơ bản được các chủ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ với chiều dài khoảng 381km, tổng mức đầu tư khoảng 7.400 tỷ đồng. Song song đó, thị xã Bến Cát cũng quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị xã.
Thị xã Bến Cát đã đạt các tiêu chí của đô thị loại III với 57/59 tiêu chuẩn, vượt số điểm tối thiểu theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị. Đồng thời, thị xã đã được công nhận là đô thị loại III tại Quyết định số 1503/QĐ-BXD ngày 20/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Tỉnh Bình Dương cho rằng việc thành lập thành phố Bến Cát có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của địa phương, góp phần xây dựng Bến Cát thành đô thị văn minh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Như vậy, nếu đề án thành lập TP Tân Uyên và Bến Cát được thông qua, tỉnh Bình Dương sẽ có tổng cộng 5 thành phố trực thuộc, cùng với Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một, đồng thời vượt Quảng Ninh để trở thành địa phương có nhiều thành phố nhất trên cả nước.
Hoàng Thuỳ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế