Bình Dương kéo doanh nghiệp về với nhà ở xã hội
Bằng cơ chế ưu đãi, Bình Dương khuyến khích các thành phần kinh tế sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động hợp pháp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc xây dựng nhà ở xã hội của tỉnh được giao cho Tổng công ty Becamex IDC thực hiện. Giai đoạn đầu đã xây dựng được 47.500 căn hộ. Becamex IDC tiếp tục mở rộng giai đoạn tiếp theo với tổng số 118.234 căn nhà ở xã hội ở khu vực đông công nhân lao động như: thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng,…
Trong năm 2023, Becamex IDC đang xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội tại Khu VietSing thành phố Thuận An, khu Định Hòa thành Thủ Dầu Một, khu Mỹ Phước thị xã Bến Cát, khu Bàu Bàng huyện Bàu Bàng. Tổng mức đầu tư các khu nhà ở trên khoảng 9.500 tỉ đồng. Đáng chú ý, giá bán đa dạng hơn, mỗi căn dao động từ 120 – 280 triệu đồng, hoặc loại cao cấp hơn với giá từ 200 – 500 triệu đồng/căn. Ngoài ra, người lao động có thể thuê với giá 750.000 đồng/căn/tháng.
Trong giai đoạn tới đây, việc phát triển nhà ở xã hội tại Bình Dương sẽ có sự tham gia nhiều hơn của khối doanh nghiệp bất động sản tư nhân. Nhiều khu nhà ở giá rẻ quy mô lớn sẽ tiếp tục được xây dựng để tạo không gian sống tốt hơn cho người lao động ngoại tỉnh.
Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, để đáp ứng nhu cầu, trước mắt, tỉnh Bình Dương sẽ ưu tiên lựa chọn một số doanh nghiệp có quỹ đất chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết, phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, có nhu cầu đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để chấp thuận cho đầu tư thí điểm mô hình nhà ở xã hội. Tỉnh cũng khích lệ các thành phần kinh tế sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động hợp pháp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, có cơ chế quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Bình Dương cũng kiến nghị Trung ương bổ sung kịp thời ngân sách cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho các đối tượng chính sách vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi; bố trí nguồn vốn gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng và gói 10.000 tỉ đồng từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ, ban hành cơ chế riêng đối với trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển; làm rõ quy trình tuyển chọn nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; có chính sách miễn, giảm thuế đối với các chủ đầu tư xây dựng nhà cho công nhân ở không thu tiền thuê hoặc cho thu giá rẻ.
Đặc biệt, có cơ chế khuyến khích về đất đai, tài chính, xây dựng… đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê theo mô hình nhà ở xã hội để nâng cao chất lượng nhà ở cho thuê, phục vụ tốt hơn chất lượng sống cho người lao động.
Hiện nay, pháp luật không cho phép đầu tư nhà ở trong khu công nghiệp. Tuy nhiên qua thực tiễn; đặc biệt là trong thời gian diễn ra dịch bệnh phải duy trì sản xuất nhưng phải đảm bảo sức khoẻ cho công nhân đã cho thấy sự cần thiết phải có khu vực lưu trú cho công nhân kèm thiết chế hạ tầng xã hội cơ bản phục vụ cho người lao động trong các khu công nghiệp.
Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu Chính phủ quy định về việc đầu tư nhà lưu trú (không được phép mua, bán); ban hành chính sách để đầu tư phát triển các khu lưu trú công nhân tại các khu công nghiệp, trong đó kết hợp với các thiết chế văn hoá của công đoàn như nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao... để nâng cao đời sống công nhân trong các khu công nghiệp.
TP Dĩ An là cửa ngõ của Bình Dương nên có vị trí quan trọng trong phát triển đô thị, dân số hiện nay có hơn 500.000 người; trong đó tạm trú hơn 300.000 người, chiếm tỷ lệ hơn 60%, ngoài ra có 6 khu và 1 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 829ha thu hút 245.000 lao động. Tuy nhiên, thực tế khả năng đáp ứng cho người lao động còn hạn chế. Giai đoạn 2026-2030, Dĩ An có 3 dự án nhà ở có bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội.
Đáng chú ý, Tập đoàn Lê Phong hiện đang triển khai dự án nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp được xây dựng trên diện tích đất hơn 1ha tại phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, Bình Dương. Công trình gồm 1 block 30 tầng với gần 1.000 căn hộ từ 1 đến 2 phòng ngủ có diện tích từ 30-64m2.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Phong cho biết, dự án này sẽ đưa ra phân khúc nhà ở xã hội chất lượng như nhà ở thương mại, có cây xanh, hồ bơi, các giá trị tiện ích sống và hoàn thành dự án đúng tiến độ trong quý 4/2023. Hiện dự án đang thi công phần móng và sẽ mở bán khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật với mức giá khống chế không quá 10% lợi nhuận sau khi trừ chi phí hợp lý trong xây dựng.
Theo ông Nguyễn Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An, dự án chung cư nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp là kết quả bước đầu của việc thành phố huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để người dân có thu nhập thấp có thể tiếp cận với nhà ở trên địa bàn thành phố. Qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở, nâng cao chất lượng, điều kiện sống của các tầng lớp nhân dân; tạo động lực phát triển đô thị Dĩ An bền vững.