Bình Dương: Để người lao động “có tết” trong bối cảnh khó khăn
Để tất cả người lao động có một cái Tết ấm áp, doanh nghiệp đang cố gắng xoay sở từ các nguồn. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền Bình Dương cũng đã có kết hoạch chăm lo với quyết tâm không để người lao động không có tết.
Hiện nay, việc bị cắt giảm đơn hàng xuất khẩu đột ngột do ảnh hưởng của tình hình thế giới xảy ra vào những tháng cuối năm khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Việc thưởng tết, tặng quà Tết cho người lao động khiến các doanh nghiệp phải “cân não”.
Các doanh nghiệp cố gắng
Từ tháng 9/2022 đến nay do ảnh hưởng của tình hình thế giới, Công ty TNHH Samil Tongsang vina, ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương mất nhiều đơn hàng, buộc lòng phải cắt giảm nhân công. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Ban giám đốc công ty vẫn cố gắng duy trì lương tháng 13 cho người lao động và một gói quà Tết nhằm tri ân sự đóng góp của họ cho doanh nghiệp.
Ông Thái Trung Nghĩa, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Samil Tongsang Vina cho biết, thiếu đơn hàng sản xuất là tình hình chung cả nước nên qua báo, đài người lao động cũng biết và hiểu cho doanh nghiệp:
“Người lao động cũng hiểu được hoàn cảnh hiện tại nên cũng thông cảm cho công ty. Về phía công ty cũng phối hợp với ban chấp hành công đoàn tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng của người lao động nhằm đảm bảo cho họ có cuộc sống tốt hơn”, ông Nghĩa nói.
Một trong các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình hình thế giới là may mặc, gỗ, gốm sứ do “đứt gãy” đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp đang rất áp lực khi vừa tìm đầu ra để duy trì sản xuất, vừa lo lương thưởng, trong khi đó việc vay vốn từ các ngân hàng gặp nhiều trở ngại.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương cho biết, hiệp hội có 56 doanh nghiệp với khoảng 200.000 lao động. Từ khó khăn trước mắt các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ với người lao động để tìm tiếng nói chung, để tìm được sự thấu hiểu.
“Chúng tôi cũng mong rằng người lao động họ hiểu hơn sẽ tránh bạo động do bất mãn với doanh nghiệp. Về mặt doanh nghiệp, mặc dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn cố gắng làm cái gì đó cho người lao động. Tết năm nay, có thể không được như những năm trước nhưng cũng sẽ cố gắng hết sức để có một chút động viên tinh thần nhau vượt qua khó khăn", bà Trang cho hay.
Để cái Tết ám áp
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, công đoàn Bình Dương cũng lên kế hoạch chăm lo để người lao động có một cái Tết đầy đủ, ấm áp. Các cấp công đoàn trong tỉnh sẽ tổ chức các đoàn đi thăm, tặng 82.810 suất quà cho người lao động, mỗi phần trị giá 500.000 đồng, tổng kinh phí hơn 41 tỷ đồng trích từ ngân sách công đoàn.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh và các huyện, thị, thành phố dành nguồn kinh phí để tặng quà cho những công nhân khó khăn.
Để giúp công nhân về quê đón Tết, năm nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tổ chức “Chuyến tàu xuân nghĩa tình” tặng 5.000 vé tàu khứ hồi cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc, tổng kinh phí ước tính 20 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, dự kiến, Tết năm nay sẽ có hơn 400.000 công nhân ở lại Bình Dương đón Tết. Đơn vị sẽ phối hợp với các sở ngành, địa phương tổ chức “Chợ tết công đoàn năm 2023”, Chương trình “Tết sum vầy – Xuân gắn kết” với các hội thi, hội diễn, văn nghệ phục vụ công nhân; tặng phiếu mua hàng 0 đồng cho công nhân khó khăn...
"Chúng tôi sẽ dốc toàn lực nguồn ngân sách của tổ chức để mà hỗ trợ cho công nhân dịp Tết năm nay. Việc tổ chức các hoạt động cho người lao động cũng sẽ được làm sớm, chăm lo sớm, hỗ trợ sớm. Chúng tôi cũng kêu gọi, vận động các đơn vị, doanh nghiệp mạnh về tài chính thì chung tay đồng hành trong dịp Tết này", bà Trân nói.
Để chăm lo cho những người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, ngoài suất quà do Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, lên danh sách công nhân khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động để thăm, tặng quà Tết. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo ngành tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối để tìm đơn hàng trong nước và các nước, từ đó góp phần ổn định việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Tầm Dương, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương dẫn chứng: "Đợt vừa rồi, mỗi công nhân được hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022 của Chính phủ nhưng 1 triệu đồng không trang trải được bao lâu. Nếu hỗ trợ được doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất thì có thể tạo việc làm cho công nhân, với mức thu nhập từ 8 đến 10 triệu hoặc cao hơn 10 triệu/tháng sẽ giúp họ trang trải cuộc sống tốt hơn. Do đó, giải pháp tốt nhất chăm lo cho người lao động là ổn định việc làm tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang đang tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động khó khăn dịp cuối năm".
Để người lao động vơi bớt khó khăn khi năm hết Tết đến, các ban ngành, đoàn thể các địa phương đang vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm hoặc giãn tiền phòng trọ cho người lao động. Một số chủ trọ đồng ý không lấy tiền phòng, nhiều chủ nhà trọ giảm từ 20%-50% tiền phòng cho công nhân.
Đây là một cách chia sẻ thiết thực với mong muốn giúp anh chị em công nhân tiếp tục vững tin vượt qua giai đoạn khó khăn, đón một cái Tết ấm áp./.
Thiên Lý