Bình Định đề xuất xây Nhà máy gang thép, toàn bộ thôn hơn 550 hộ dân sẽ bị di dời
Hơn 550 hộ dân ven biển thuộc dân cư thôn Lộ Diêu có nguy cơ bị di dời vì dự án Cảng - Nhà máy gang thép Long Sơn bao trùm lên toàn bộ diện tích thôn.
UBND tỉnh Bình Định gửi văn bản đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đề xuất đồng ý chủ trương đầu tư đối với dự án Cảng – Nhà máy gang thép Long Sơn tại Thị xã Hoài Nhơn, vốn đầu tư 6.800 tỷ đồng. Theo đó, toàn bộ hơn 550 hộ dân ven biển của dân cư thôn Lộ Diêu có nguy cơ bị di dời vì dự án bao trùm lên hết diện tích thôn.
Formosa Hà Tĩnh khắc phục xong ô nhiễm, được dừng giám sát đặc biệt?
Truyền thông trong nước đưa tin, ngày 28/5, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Cảng – Nhà máy gang thép Long Sơn tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.
Cụ thể, nhà đầu tư được UBND Bình Định đề xuất là Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ với tổng vốn đầu tư 6.800 tỷ đồng, nguồn từ vốn tự có của doanh nghiệp và vay các tổ chức tín dụng.
Diện tích dự kiến sử dụng là 496,9ha (trong đó: 23ha hiện trạng là đất ven biển, 473,9ha hiện trạng là đất mặt nước), phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho khu liên hợp gang thép Long Sơn (đã được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư).
Như vậy, khu vực dự án bao trùm toàn bộ dân cư của thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ. Khi thực hiện dự án phải di dời toàn bộ dân cư, khoảng 566 hộ của thôn Lộ Diêu, theo báo Dân Việt.
Theo đề xuất của dự án, Cảng chuyên dùng có quy mô đầu tư 10 cầu cảng/2.525m, tiếp nhận cỡ tàu trọng tải 250.000 DWT, khối lượng bốc dỡ hàng hóa theo hồ sơ thiết kế từ 21 – 23 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, về ranh giới đề xuất của dự án thì có sự chồng lấn với ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển.
Cụ thể, thuộc đoạn 9 (xã Hoài Mỹ), với chiều dài khoảng 2 km, chiều rộng hành lang khoảng từ 80,2 m – 287,7 m.
UBND Bình Định dự kiến điều chỉnh ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, trong trường hợp dự án nói trên được Chính phủ chấp thuận.
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, sau 5 năm thực hiện nhiều giải pháp khắc phục hậu quả, đến nay Công ty Formosa đã khắc phục được sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Vào đầu tháng 4/2016, Formosa đã xả thải ra biển miền Trung, gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến cá chết hàng loạt dọc bờ biển bốn tỉnh nói trên. Kết luận của giới chức Việt Nam chỉ ra lỗi sai phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Đến ngày 30/6/2016, công ty này đã nhận trách nhiệm về sự cố môi trường biển gây ra tại các tỉnh miền Trung. |
Trọng Minh