Bình đẳng y tế nhìn từ bệnh đậu mùa khỉ

Chia sẻ Facebook
22/06/2022 05:08:23

Virus đậu mùa khỉ đã lưu hành tại châu Phi trong hàng thập kỷ. Nhưng cộng đồng quốc tế chỉ chú ý đến căn bệnh này khi nó xuất hiện ở các nước thu nhập cao.


Tình hình bệnh đậu mùa khỉ tại châu Phi

Virus đậu mùa khỉ được phát hiện cách đây 5 thập kỷ ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Hầu hết bệnh nhân ghi nhận các triệu chứng nhẹ, với những vết phát ban và phồng rộp thường tự khỏi sau vài tuần. Bệnh có tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn so với COVID-19 và tỷ lệ tử vong thấp hơn Ebola. Điều khiến các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại châu Phi bận tâm là tiêu chuẩn kép đã xuất hiện kể từ khi bệnh đậu mùa khỉ thu hút sự chú ý của thế giới: Đến khi xuất hiện các đợt bùng phát ở các nước phương Tây, căn bệnh này mới được quan tâm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, tính từ đầu năm nay, châu Phi ghi nhận 1.597 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm 66 ca tử vong. Giới chức y tế khu vực hiện chưa kiểm soát được căn bệnh này. Những hồi chuông cảnh báo toàn cầu đã không vang lên khi một số quốc gia châu Phi phải đối mặt với dịch bệnh bùng phát. Vấn đề này chỉ được nhắc đến gần đây, tuy nhiên là trong những hình ảnh minh họa cho các đợt bùng phát ngoài khu vực.

"Những trường hợp bệnh đậu mùa khỉ này được ghi nhận ở Châu Âu," nhà virus học Nigeria, Oyewale Tomori bình luận."Tại sao lại sử dụng hình ảnh của một người châu Phi?"

Các quan chức y tế nghi ngờ virus đậu mùa khi đã lưu hành mà không bị phát hiện ở các quốc gia không có dịch bệnh - có khả năng là năm 2018. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy các ca bệnh xuất phát từ chủng Tây Phi, với tỷ lệ tử vong khoảng 1%.

CDC châu Phi: Tính từ đầu năm nay, châu Phi ghi nhận 1.597 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm 66 ca tử vong. (Ảnh: AP)

Trước khi bệnh đậu mùa khỉ tấn công phương Tây năm nay, WHO cho biết Nigeria, Cameroon và Cộng hòa Trung Phi đều ghi nhận số ca mắc bệnh ở mức thấp. Tuy nhiên, theo nhà dịch tễ học người Cameroon, Yap Boum, việc truy tìm tiếp xúc còn hạn chế. Lây nhiễm có xu hướng phát sinh ở các khu vực rừng rậm hẻo lánh, nơi con người gặp phải động vật hoang dã mang bệnh đậu mùa khỉ, chẳng hạn như động vật linh trưởng và động vật gặm nhấm.

Nhà dịch tễ học Yap Boum nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực, "Có thể vấn đề sẽ được chú ý nhiều hơn khi xuất hiện các đợt bùng phát ngoài khu vực, và chúng tôi sẽ được tiếp cận với nhiều loại vaccine hơn và nhiều phương pháp điều trị hơn."

Trong khi đó, một trong những chuyên gia giải trình tự gen hàng đầu của Nigeria, Christian Happi, bày tỏ quan điểm lẽ ra thế giới nên quan tâm đến bệnh đậu mùa khỉ sớm hơn. "Quan tâm tới diễn biến bệnh ở bất cứ nơi nào đều có lợi cho tất cả mọi người. Tất cả chúng ta đều có thể bị ảnh hưởng, mà đại dịch COVID-19 là minh chứng rõ nhất cho điều đó."

Cộng hòa Dân chủ Congo đang đối mặt với đợt bùng phát đậu mùa khỉ lớn nhất thế giới cho đến nay: ít nhất 1.238 ca mắc và 57 ca tử vong kể từ tháng 1/2022. Tỷ lệ tử vong tại đây cũng cao hơn nhiều nơi khác, lên tới 10%. Các bác sĩ cho biết nhiều trường hợp tử vong có thể ngăn ngừa được, nhưng việc điều trị gặp nhiều khó khăn ở những khu vực thiếu cơ sở và trang thiết bị y tế.

Bộ trưởng Y tế CHDC Congo Jean Jacques Mbungani cho biết: "Đậu mùa khỉ có thể gây tàn phá tương tự như COVID-19. Nhưng các biện pháp phòng chữa bệnh đã không được ưu tiên trong thời điểm đại dịch. Cần phải thực hiện nhiều xét nghiệm hơn, tiêm chủng rộng khắp hơn, và cần nhiều nhân viên y tế hơn để theo dõi các ca bệnh cũng như chăm sóc người bệnh."

Thiếu cơ sở và trang thiết bị y tế dẫn đến khó khăn trong điều trị bệnh đậu mùa khỉ tại châu Phi. (Ảnh: WHO)


Châu Phi ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

Trên thực tế, bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa đến mức nó chỉ được công nhận là một mầm bệnh riêng biệt sau khi bệnh đậu mùa bị tiêu diệt vào những năm 1970. Vaccine chủng ngừa đậu mùa thường cũng khá hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.

Tiêm chủng vòng là một chiến lược để ức chế sự lây lan của bệnh bằng cách tiêm chủng cho những người có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh nhất. Nếu tiêm chủng diễn ra đủ nhanh sau khi lây nhiễm, nó có thể tạo ra miễn dịch trước khi bệnh lâm sàng xảy ra. Do đó, tiêm chủng vòng sẽ ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm nếu truy vết thành công các ca tiếp xúc gần.

Các ca bệnh đậu mùa khỉ lây sang người ở mức độ thấp, chủ yếu ở quanh lưu vực Congo. Khu vực này bao gồm Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Guinea Xích đạo và Gabon. Tuy nhiên, quy mô thực sự của việc lây nhiễm trong quá khứ là không rõ ràng. Cơ sở hạ tầng y tế yếu kém có nghĩa là các ca bệnh có thể vẫn chưa được điều trị hoặc bị nhầm lẫn với các bệnh gây phát ban khác như bệnh thủy đậu (thuộc một họ virus hoàn toàn khác với bệnh đậu mùa khỉ). Do đó, sự hiểu biết của chúng ta về bệnh đậu mùa khỉ còn khá phiến diện và thiếu chính xác. Một ví dụ điển hình cho sự thiếu rõ ràng này là các ghi chép trong quá khứ cho thấy tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do đậu mùa khỉ tại lưu vực Congo cao hơn ở khu vực Tây Phi. Tuy nhiên, cho đến năm 2019, việc báo cáo các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ với WHO là không bắt buộc, ngoại trừ Cộng hòa Dân chủ Congo – vốn có hệ thống báo cáo riêng. Do đó, có thể nhiều trường hợp ở khu vực Tây Phi đã không được kiểm đếm.

Thách thức đối với các cơ quan y tế công cộng hiện nay là ứng phó với sự bùng phát của một loại virus vẫn còn là khoảng trống lớn trong kiến ​​thức của chúng ta, một thách thức đã hiện hữu đối với nhiều quốc gia ở lưu vực Congo trong nhiều thập kỷ.

Phân tích di truyền của các loại virus được phân lập từ các ca bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ đã phát hiện hai chủng virus khác biệt đang lưu hành. Một chủng tương tự với các ca bệnh được phát hiện ở châu Âu, trong khi chủng còn lại có khá nhiều điểm tương đồng với chủng được phát hiện ở một người đàn ông Mỹ trở về từ Nigeria vào năm 2021. Điều này cho thấy sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ có thể đã diễn ra một thời gian tại các quốc gia được xem là có ít khả năng xuất hiện bệnh hơn.

Kết quả có thể xảy ra của đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này sẽ là một mô hình thường thấy trong các bệnh truyền nhiễm: Một số quốc gia giàu có sẽ có thể kiềm chế các đợt bùng phát và đảm bảo quyền tiếp cận ưu tiên cho các nguồn dự trữ vaccine đậu mùa. Trong khi đó, các nước nghèo hơn sẽ gặp khó khăn trong việc phát hiện các trường hợp lây nhiễm từ nước ngoài, triển khai chương trình tiêm chủng vòng hoặc mua vaccine.

Tiêm chủng vòng là một chiến lược để ức chế sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)

Giám đốc CDC châu Phi cho rằng nên bắt đầu tiêm vaccine bệnh đậu mùa để phòng bệnh đậu mùa khỉ tại châu lục này khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai trên thế giới, do bệnh đang lây lan ở quy mô rộng hơn và nguy cơ dịch bùng phát cao hơn tại đây. Trong khi đó, giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi không khuyến cáo tiêm vaccine đại trà trong giai đoạn này, song cho biết tổ chức này đang đặt mua hàng nghìn bộ xét nghiệm sàng lọc bệnh đậu mùa khỉ cho châu Phi.

Ngoài ra còn một vấn đề khác cần lưu ý, đó là các nhà khoa học vẫn nhất trí rằng việc phá hủy môi trường sống của động vật để đáp ứng nhu cầu khai thác tài nguyên ngày càng tăng sẽ có xu hướng dẫn đến các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ.

Chia sẻ Facebook