Bình Chánh hưởng lợi lớn từ cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành Đai 3
Dự án Vành Đai 3 và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đẩy nhanh tiến độ thực hiện tạo cú hích cho thị trường BĐS Bình Chánh phát triển mạnh thời gian tới.
Nằm tại cửa ngõ phía Tây và Tây Nam thành phố, Bình Chánh đóng vai trò quan trọng kết nối giữa ĐBSCL với TP.HCM. Khu vực này hội tụ các tuyến huyết mạch đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 50, đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận…
Gần 27 tỷ USD cho đầu tư hạ tầng
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thiện nút giao Quốc lộ 51 kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (giai đoạn 1) với ngân sách ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự án tạo sự kết nối và nâng cao hiệu quả khai thác đồng bộ với sân bay Long Thành (Đồng Nai), dự kiến hoàn thành năm 2025 và trong tương lai (giai đoạn 2) sẽ kết nối với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Theo chuyên gia, cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án giao thông quan trọng của khu vực với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Tây như Bình Chánh, Bình Tân. Dự án có ngân sách đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, tổng chiều dài hơn 57 km, điểm đầu giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Vành đai 3, điểm cuối giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Hiện dự án đang được chính quyền địa phương khẩn trương thi công từ quý 3 năm nay.
Song song đó, đường Vành Đai 3 với quy mô gần 250.000 tỷ đồng cũng là một trong số những dự án hạ tầng giao thông quan trọng thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư, nay đã có bước tiến mới. Cụ thể, trong tháng 7/2022, TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành Đai 3 nhằm gấp rút giải phóng mặt bằng, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Dự án giúp Bình Chánh tăng tính kết nối tới khu vực trung tâm TP.HCM và các tỉnh thành lân cận là Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Đồng thời, cải thiện hiệu quả chuỗi cưng ứng, tiết kiệm chi phí logistics, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và dịch vụ hiệu quả hơn. Từ đó khuyến khích các ngành nghề và doanh nghiệp mới hình thành ở các khu vực lân cận.
Ngoài ra, Bình Chánh còn sở hữu tuyến đường sắt cao tốc 10 tỷ USD TP.HCM - Cần Thơ với chiều dài 135 km, gồm 9 nhà ga trong đó ga Tân Kiên (Bình Chánh) được đề xuất bổ sung chức năng khu đô thị với tổng diện tích 352 ha. Chưa kể, các dự án Metro 3A (Bến Thành - Tân Kiên) quy mô 68.000 tỷ đồng, dự án tuyến buýt nhanh BRT số 1 quy mô 3.300 tỷ đồng, dự án Vành đai 2 quy mô 12.540 tỷ đồng cùng đề án mở rộng đại lộ Võ Văn Kiệt đến Đức Hòa (Long An) quy mô 14.000 tỷ đồng… sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, trong đó thị trường BĐS được hưởng lợi lớn.
Kích hoạt chuỗi đô thị dọc tuyến
Việc triển khai loạt dự án hạ tầng tỷ USD không chỉ đưa Bình Chánh tiến gần hơn tới lộ trình lên thành phố mà còn tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị hiện đại dọc tuyến. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho phát triển đô thị còn khá khiêm tốn. Hiện chỉ có một số ít các chủ đầu tư thâu tóm những quỹ đất đẹp để phát triển các dự án căn hộ, nhà phố thương mại.
Đơn cử Tập đoàn BĐS An Gia (AGG) triển khai khu phức hợp Westgate tại trung tâm hành chính Bình Chánh với quy mô khoảng 2.000 căn hộ. Dự án thừa hưởng lợi thế lớn về hạ tầng, liền kề tuyến Vành đai 3 và nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành. Từ dự án, cư dân có thể dễ dàng di chuyển đến trung tâm TP.HCM và các tỉnh thành lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh thông qua đường Vành Đai 3. Đồng thời, nhanh chóng kết nối tới sân bay quốc tế mới Long Thành (60 phút), thành phố Vũng Tàu (120 phút) thông qua tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Đáng nói, trong lộ trình lên thành phố của Bình Chánh, khu hành chính được xem là hạt nhân phát triển của địa phương, đã được đẩy mạnh đầu tư nhiều năm qua và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô để tương xứng với tiềm lực phát triển của khu vực.
Ngoài các tiện ích công gồm UBND, chi cục thuế, trụ sở công an, bệnh viện,… khu vực này dự kiến sẽ hình thành khu liên hợp thể dục thể thao với quy mô khoảng hơn 2 ha, bao gồm sân vận động, nhà thi đấu bóng đá, điền kinh,… nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ công tác tổ chức các sự kiện thể thao lớn. Cũng trong quy hoạch, khoảng 7 ha quỹ đất được phân bổ và sử dụng cho mục đích xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục, trường học. Mặt khác, chính quyền địa phương dự kiến bổ sung thêm khoảng 3,2 ha quỹ đất cho quy hoạch công trình dịch vụ; 1 ha cho quy hoạch logistics và hạ tầng kỹ thuật; 1 ha quỹ đất cho quy hoạch thương mại dịch vụ; 0,5 ha cho quy hoạch hành chính, y tế…
Đối với toàn bộ quỹ đất còn lại thuộc khu hành chính hiện hữu, lãnh đạo Bình Chánh cho biết sẽ sử dụng để xây dựng các dự án nhà ở bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở thấp tầng. Hiện khu phức hợp Westgate của An Gia là dự án nhà ở duy nhất được triển khai tại khu vực này.