Binance bị rút hơn 2 tỷ USD sau khi bị vướng kiện tụng
Các trader rút hàng tỷ đô khỏi Binance sau thông tin sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới bị vướng vào kiện tụng.
Binance bị rút hơn 2 tỷ USD sau khi bị vướng kiện tụng
Các trader rút hàng tỷ đô khỏi Binance sau thông tin sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới bị vướng vào kiện tụng.
Ngày 27/03, Ủy ban Giao dịch Hợp đồng tương lai Hàng hóa (CFTC) đã kiện Binance, cáo buộc sàn này hoạt động bất hợp pháp ở Mỹ và vi phạm các quy định được thiết kế để ngăn chặn các hoạt động tài chính phi pháp.
Tuần trước, Binance thông báo sẽ tính phí với giao dịch Bitcoin giao ngay. Trước đó, họ đã giảm phí xuống mức 0 vào mùa hè năm 2022. Ngoài ra, họ cũng tạm ngưng giao dịch giao ngay trong vài giờ vì lỗi phần mềm.
Tính tới đêm ngày 27/03, Binance bị rút ròng 2.1 tỷ USD trong 7 ngày qua, theo dữ liệu từ Nansen. Tính chung, Binance đang giữ 63.2 tỷ USD trên các ví tiền ảo được công bố công khai, dữ liệu Nansen cho thấy.
“Tốc độ rút tiền nhanh hơn so với bình thường và có tăng nhanh hơn sau thông báo từ CFTC”, Andrew Thurman, Chuyên viên phân tích tại Nansen cho biết trong ngày 27/03.
Dù vậy, Binance đã từng bị rút vốn mạnh hơn nhiều vì các động thái pháp lý trong quá khứ. Ông Thurman cho biết dòng vốn rút ra mạnh hơn trong tháng 2/2023 sau khi các cơ quan điều hành ở New York cấm Binance phát hành đồng stablecoin BUSD – đồng stablecoin lớn thứ 3 trên thế giới. Vốn hóa thị trường của BUSD – được tính bằng cách lấy thị giá nhân với số lượng – đã giảm hơn 50% trong năm 2023.
Việc Binance quyết định tính phí trở lại với giao dịch giao ngay Bitcoin cũng có thể khiến thị phần của họ bị giảm, các chuyên viên phân tích cho biết.
Thị phần giao ngay của Binance đã giảm xuống mức 30% trong ngày 24/03, từ mức 57% hồi đầu tháng 3, theo CryptoCompare. Trước đó, phần lớn khối lượng giao dịch trên Binance đều không bị tính phí, theo công ty cung cấp dữ liệu tiền ảo Kaiko.
“Phí cực kỳ quan trọng”, John Quarnstrom, Chuyên gia quản lý danh mục tại quỹ đầu cơ tiền ảo Iceberg Capital, cho hay. “Thông thường, yếu tố ưu tiên hàng đầu để chọn sàn giao dịch sẽ là khía cạnh lưu ký giao dịch. Thứ hai chắc chắn là phí”.
Tính tới ngày 24/03, Binance duy trì thị phần 66% trên thị trường phái sinh tiền ảo, theo CryptoCompare.
Phát ngôn viên Binance chưa phản hồi về thông tin trên.
Lại thêm một tín hiệu rắc rối khác với ông lớn tiền ảo này, một thẩm phát liên bang đã cấm Binance.US – chi nhánh của Binance ở Mỹ - mua lại các tài khoản khách hàng của công ty đã phá sản Voyager Digital.
Các nhà đầu tư và chuyên viên phân tích đang theo dõi động thái pháp lý đối với Binance trong những tháng tới ở Mỹ và các khu vực khác. Trao đổi với Wall Street Journal vào tháng trước, Giám đốc chiến lược Binance cho biết sàn dự kiến sẽ trả tiền phạt để giải quyết các cuộc điều tra của Mỹ về hoạt động kinh doanh của họ.
* Binance bị rút 12 tỷ USD trong 2 tháng qua
Sàn tiền ảo Binance bị rút vốn 6 tỷ USD, công ty kiểm toán rút lui
Binance bị kiện về vấn đề gì?
Trong đơn kiện gửi lên tòa án liên bang hôm 27/3, CFTC cáo buộc Binance và một số lãnh đạo dự án thường xuyên phá vỡ các quy tắc về giao dịch của Mỹ trong quá trình trở thành sàn giao dịch lớn nhất thế giới.
Cụ thể, Binance cùng CEO Changpeng Zhao và cựu Giám sát trưởng Samuel Lim bị cho là vi phạm tám điều khoản cốt lõi trong Đạo luật trao đổi hàng hóa của Mỹ, bao gồm luật yêu cầu về biện pháp "ngăn chặn và phát hiện hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố".
Theo CFTC, Binance không có các biện pháp cần thiết để xác minh danh tính thực sự của khách hàng và nền tảng kiếm lời từ hành động này. Tài liệu cho thấy sàn đã kiếm được 63 triệu USD tiền phí trong các giao dịch phái sinh trong tháng 8/2020, trong đó 16% được xác định đến từ các khách hàng tại Mỹ.
Theo hồ sơ, lãnh đạo Binance đã yêu cầu nhân viên sử dụng các "phương tiện sáng tạo", nhằm hút người dùng Mỹ nhưng vẫn tỏ ra là tuân thủ quy định. Zhao và Lim cũng hướng dẫn các " khách hàng VIP " tại nước này sử dụng mạng riêng ảo VPN để che giấu vị trí, tham gia thị trường với tư cách của tổ chức, tạo công ty vỏ bọc để mở tài khoản Binance trái phép, gợi ý khách hàng không xác minh tài khoản (KYC).
Ngoài ra, nhóm khách hàng VIP cũng được nền tảng cung cấp đặc quyền, trong đó được hỗ trợ khi cơ quan quản lý theo dõi hoặc đóng băng tài khoản. "Đừng trực tiếp yêu cầu người dùng tháo chạy. Nếu họ là một nhà giao dịch lớn, họ sẽ nhận được gợi ý", tài liệu dành cho nhóm VIP của Binance được CFTC phát hiện có đoạn.
"Email và cuộc trò chuyên của các bị cáo cho thấy nỗ lực tuân thủ của họ chỉ là giả tạo và Binance đã hết lần này đến lần khác đặt lợi nhuận lên trên việc tuân thủ pháp luật", Gretchen Lowe, cố vấn trưởng của CFTC, cho biết.
Ngoài ra, Ủy ban cũng khẳng định Binance cố tiêu hủy các tài liệu, sử dụng ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal để liên hệ với khách hàng Mỹ.
Vũ Hạo (Theo WSJ)