Big4 kiểm toán Việt Nam: Doanh thu nghìn tỷ nhưng lãi "tí hon"
PwC và Deloitte là 2 đơn vị chi lương, thưởng nhân viên cao nhất lần lượt là 630 tỷ và 631 tỷ đồng. Chi phí này ở EY là 490 tỷ còn ở Công ty TNHH KPMG là 403 tỷ đồng.
Big 4 là cách mà người ta thường dùng để gọi tên 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới: PwC, Deloitte, EY (Ernst & Young) và KPMG. Ban đầu, từ Big Eight, ngành kiểm toán thu hẹp còn Big Five vào 1998. Với sự sụp đổ của Arthur Andersen vào năm 2002, con số này giảm xuống còn bốn và vẫn duy trì cho đến nay.
Hiện nay, cả 4 công ty trong Big 4 đều đang hoạt động tại Việt Nam và là những công ty dẫn đầu thị phần. Theo thông tin trên website Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Thăng Long – T.D.K Chi nhánh miền Nam, năm 2018, thị phần doanh thu của nhóm Big 4 là 50,41% doanh thu toàn ngành.
Các mảng hoạt động tách riêng thành công ty
Cấu trúc nhóm doanh nghiệp Big 4 tại Việt Nam khá giống nhau khi đều tách riêng các mảng hoạt động ra ít nhất hai công ty liên quan. Cả 4 công ty đều tách riêng mảng luật thành 1 công ty luật.
Sau đó, EY và PwC cùng tách riêng mảng dịch vụ an toàn thông tin và PwC có thêm 1 công ty liên quan hoạt động trong mảng tư vấn. KPMG cũng có 1 công ty liên quan hoạt động tư vấn giống PwC và có thêm 1 công ty hoạt động trong mảng dịch vụ. Còn Deloitte tách các mảng hoạt động ra thành 8 công ty liên quan.
Ví dụ, Công ty TNHH KPMG chỉ thực hiện dịch vụ kiểm toán, ngoài ra còn có các công ty dịch vụ khác như Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, Công ty TNHH Luật KPMG và công ty TNHH dịch vụ KPMG.
Các số liệu trong bài viết được ghi nhận từ báo cáo minh bạch của các công ty kiểm toán trong nhóm Big4, không đại diện công ty mẹ/liên kết/công ty con khác như công ty tư vấn và thuế, công ty luật...
"So găng" kết quả kinh doanh của các công ty
Theo số liệu thống kê từ báo cáo minh bạch, trong mảng kiểm toán tại Việt Nam, 3 công ty PwC Việt Nam, Deloitte Việt Nam, EY Việt Nam đang bỏ khá xa Công ty TNHH KPMG Việt Nam. Khi 3 "đồng nghiệp" đã chạm đến mốc doanh thu nghìn tỷ thì Công ty TNHH KPMG Việt Nam vẫn đang ở mức gần 600 tỷ đồng.
Không chỉ doanh thu mà cả lợi nhuận sau thuế Công ty TNHH KPMG Việt Nam đều thua kém các đối thủ. Cụ thể, năm 2021, Công ty TNHH KPMG Việt Nam chỉ lãi 2 tỷ đồng, bằng 1/6 của EY Việt Nam, bằng 1/22 của Deloitte Việt Nam và bằng 1/82 của PwC Việt Nam. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Công ty TNHH KMPG Việt Nam cũng rất thấp chỉ là 0,4%.
Hai công ty khác là Deloitte Việt Nam và EY Việt Nam cũng có tỷ suất sinh lời trên doanh thu không cao, lần lượt chỉ 4% và hơn 1%. Chỉ riêng PwC Việt Nam có tỷ suất sinh lời 2 chữ số là 15% và đây cũng là công ty kiểm toán duy nhất đạt lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 2 năm gần đây, khi doanh thu EY giảm sút, PwC đã vươn lên dẫn đầu về doanh thu.
Khi xem xét trên hiệu suất lao động (ở đây chỉ tính đến kiểm toán viên), nếu lấy doanh thu chia cho số lượng kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề thì trung bình 1 kiểm toán viên ở PwC Việt Nam tạo ra doanh thu cho công ty nhiều hơn so với đồng nghiệp ở các công ty khác.
Song song với cung cấp dịch vụ kiểm toán, Big 4 còn tham gia vào các hoạt động nghiệp vụ khác như tư vấn, hướng dẫn thủ tục đầu tư, thuế, pháp lý, và nhiều hoạt động tài chính khác. Doanh thu từ những mảng dịch vụ chiếm tỷ trọng rất lớn trong nguồn thu của Big4, như PwC Việt Nam tỷ trọng doanh thu khác lên đến 96%, còn dịch vụ kiểm toán BCTC của đơn vị có lợi ích công chúng chỉ mang về 48 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 5%.
PwC và Công ty TNHH KPMG không có doanh thu từ dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị không có lợi ích công chúng như EY và Deloitte.