Big Pharma có 1.186 lần tăng giá thuốc trong năm 2022

Chia sẻ Facebook
21/07/2022 16:26:08

Theo một báo cáo công bố ngày 2-7 của Tổ chức Patients for Affordable Drugs tại Washington (Mỹ), các tập đoàn dược phẩm thuộc nhóm Big Pharma đã có 1.186 lần tăng giá thuốc chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022.

Thuốc trị bệnh bạch cầu Besponsa của Pfizer trải qua 4 lần tăng giá kể từ đại dịch COVID-19 - Ảnh: DRUGS. COM

Trong đó, có 245 loại thuốc có giá tăng lên 23,8% kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.


Theo hãng tin Bloomberg , giá ra mắt trung bình của một loại thuốc mới là 180.000 USD/toa thuốc 1 năm/người.

Các bác sĩ và giám đốc điều hành công ty bảo hiểm tại Mỹ đang lo lắng rằng nhiều loại thuốc tăng giá khiến bệnh nhân và công ty bảo hiểm không có khả năng chi trả.

Đầu tháng 7, có 64 công ty dược phẩm tăng giá 133 mặt hàng thuốc đặc trị theo toa.

Báo cáo của tổ chức Tổ chức Patients for Affordable Drugs cho thấy, Tập đoàn GSK tăng giá thuốc Benlysta - điều trị bệnh lupus - 4 lần kể từ khi bắt đầu đại dịch. Công ty Pfizer - dẫn đầu nhóm tăng giá trong tháng 7 - có 23 loại thuốc tăng giá. Ví dụ, thuốc chữa bệnh bạch cầu Besponsa của Pfizer đã 4 lần tăng giá kể từ khi đại dịch bắt đầu và hiện được bán lẻ ở mức 21.056 USD/lọ.

Công ty dược phẩm Amgen đã tăng 27 lần giá thuốc chữa bệnh tự miễn dịch Enbrel kể từ khi mua được bản quyền loại thuốc này vào năm 2002. Hiện nay, giá thuốc đã là 5.554,96 USD/toa thuốc 1 tháng - tăng 457% so với giá ban đầu.


Hãng tin Bloomberg cho biết thêm, 46brooklyn Research, một công ty nghiên cứu giá thuốc phi lợi nhuận, cho rằng nhiều năm qua ngành công nghiệp dược phẩm vẫn tiếp tục tăng giá niêm yết một cách đều đặn khoảng 5% một năm.

Hiện nay, Quốc hội Mỹ đang cân nhắc một dự luật được Tổng thống Joe Biden hậu thuẫn nhằm giảm giá thuốc.

Dự luật này sẽ yêu cầu chương trình y tế Medicare của chính phủ dành cho người nghèo, được thương lượng giá của một số loại thuốc.

Tuy nhiên, các công ty dược phẩm đã phản đối quyết liệt chính sách này. Các công ty lập luận rằng họ cần có lợi nhuận cao để chi trả cho sự phát triển của các tiến bộ y tế và việc hạn chế giá sẽ gây hại cho sự đổi mới.

Ngược lại, các nhà phê bình chỉ ra tỉ suất lợi nhuận cao của ngành dược phẩm và nói rằng các công ty phóng đại chi phí phát triển thuốc.

Một cuộc điều tra của Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện Mỹ đã kết luận vào cuối năm 2021 rằng các công ty dược phẩm đã tăng giá vô tội vạ.

Big Pharma là một thuật ngữ dùng để chỉ ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu. Trong đó, chủ yếu là nhóm công ty thương mại, nghiên cứu và sản xuất Dược phẩm của Mỹ (PhRMA).


Theo Hãng tin Bloomberg , không giống như các quốc gia khác, chính quyền Mỹ không trực tiếp điều chỉnh giá thuốc của Big Pharma. Do đó, các công ty dược phẩm có thể ấn định bất kỳ mức giá nào mà thị trường sẽ chịu.

Tại châu Âu, thị trường dược phẩm lớn thứ hai sau Mỹ, các chính phủ đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất thuốc, để hạn chế mức chi trả cho hệ thống y tế do nhà nước tài trợ.

Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh đã từ chối thanh toán cho một số loại thuốc điều trị ung thư được sử dụng rộng rãi ở Mỹ với lý do chúng "vô giá", không mang giá trị đồng tiền thực.

Các hãng dược lớn đã nhắm mục tiêu vào thị trường Mỹ để 'thu lợi khủng' từ các loại thuốc cũ, trong đó có các hãng dược Eli Lilly and Co (Mỹ), Novo Nordisk (Đan Mạch) và Sanofi (Pháp) vốn thống trị thị trường insulin.

Chia sẻ Facebook