“Big 4” ngân hàng đầu tư tài chính dài hạn hiệu quả thế nào?
Các thành viên “Big 4” ngân hàng đều có đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh hoạt động thoái vốn đã và đang triển khai.
Bên cạnh tình hình tài chính và hoạt động của khối “Big 4” ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank), tình hình đầu tư tài chính dài hạn của khối này cũng được Chính phủ thông tin, trong báo cáo vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Theo báo cáo, việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản của các ngân hàng trên đảm bảo đồng bộ, hiện đại; dự án đưa vào sử dụng phát huy được công năng sử dụng, tạo cơ sở vật chất và phương tiện làm việc nâng cao vị thế của các ngân hàng trên địa bàn, nhất là những địa bàn có cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại; góp phần mở rộng, tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các ngân hàng, tăng cường tính bảo mật, an ninh, an toàn cho hệ thống công nghệ thông tin.
Hoạt động đầu tư trên đã nâng cao năng suất, chất lượng đối với hoạt động nghiệp vụ đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của “Big 4” (lưu trữ tập trung, hoạt động hỗ trợ chăm sóc khách hàng); giảm thiểu chi phí thuê trụ sở hoạt động; giữ vững thị phần tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các đơn vị trong hệ thống các ngân hàng.
Về tình hình đầu tư vốn và thoái vốn ngoài ngành, báo cáo nêu con số cụ thể của từng ngân hàng lớn.
Đối với VietinBank: Đến cuối năm 2021, tổng số dư đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết, đơn vị nhận vốn khác của VietinBank đạt 5.928 tỷ đồng (không biến động so cuối năm 2020).
Về cơ bản, theo báo cáo của VietinBank, hoạt động của các công ty con ở trong nước và tại nước ngoài của VietinBank năm 2021 đều có lãi và dự kiến lợi nhuận chuyển về là 750.387 triệu đồng.
Năm 2021, VietinBank tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng thoái vốn tại Công ty VietinBank Leasing; giảm tỷ lệ sở hữu tại VietinBank Security từ 75,62% xuống 51%; đối với Công ty Quản lý Quỹ VietinBank đã nộp hồ sơ về chấp thuận giảm vốn điều lệ thông qua phương án hoàn trả vốn về VietinBank.
Đối với BIDV: Đến cuối năm 2021, tổng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh và đầu tư tài chính của BIDV là 8.133 tỷ đồng, chiếm 15,1% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, giảm 79 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020. Về lợi nhuận sau thuế của các công ty con năm 2021 đạt 870,6 tỷ đồng, tăng 328 tỷ đồng (60,4%) so với năm 2020.
Đầu tư vào 04 công ty liên kết, lợi nhuận sau thuế đạt 567 tỷ đồng, tăng 117 tỷ đồng (26%) so cuối năm 2020.
BIDV hiện có 04 dự án đầu tư tại nước ngoài gồm: Ngân hàng liên doanh Lào - Việt (LVB) tại Lào, Công ty TNHH BIDV Quốc tế (BIDVI) tại Hồng Kông, BIDV - Chi nhánh Yangon tại Myanmar và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) tại Campuchia. BIDV tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch thoái vốn của BIDV tại VALC theo các quy định của pháp luật.
Đối với Vietcombank: Đến cuối năm 2021, tổng giá trị vốn đầu tư của Vietcombank là 5.778,7 tỷ đồng, chiếm 13,4% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, giảm 80 tỷ đồng (1,4%) so với thời điểm cuối năm 2020.
Trong đó: Vietcombank đầu tư vào 10 công ty con, công ty liên kết, với tổng vốn đầu tư đạt 4.117 tỷ đồng, chiếm 71,2% danh mục đầu tư của Vietcombank, kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty cơ bản đều ổn định và có lãi. Đầu tư dài hạn khác: danh mục đầu tư dài hạn khác gồm 11 khoản đầu tư, với tổng vốn đầu tư đạt 1.661,46 tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng danh mục đầu tư của Vietcombank. Danh mục đầu tư dài hạn khác của Vietcombank tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: tổ chức tín dụng chiếm 67,5% và hàng không chiếm 22,8%.
Tổng thu nhập từ danh mục đầu tư 2021 là 1.033,78 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ cổ tức/lãi được chia tiền mặt là 139,5 tỷ đồng.
Vietcombank thực hiện 03 khoản đầu tư ra nước ngoài gồm Công ty Chuyển tiền Vietcombank (trong đó Vietcombank sở hữu 87,5%), Công ty Tài chính Việt Nam - Hồng Kông và Ngân hàng TNHH MTV Ngoại Thương Việt Nam tại Lào (Vietcombank sở hữu 100% vốn). Tình hình đầu tư vốn ra nước ngoài, thu hồi vốn đầu tư và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư đều có lãi.
Trong năm 2021, Vietcombank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ tại Công ty Tài chính Việt Nam tại Hồng Kông từ 36,02 triệu HKD lên 105 triệu HKD (tương đương 306,9 tỷ đồng); thu từ thoái vốn Vietnam Airline đạt 3,93 tỷ đồng.
Đối với Agribank: Tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của Agribank vào các doanh nghiệp khác đến 31/12/2021 chiếm 5,97% (tổng số 2.232 tỷ đồng) so với vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng.
Trong năm 2021, các công ty con của Agribank đều kinh doanh có lãi, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được giao. Agribank thu lợi nhuận, cổ tức của năm 2020 từ hoạt động đầu tư vào công ty con và doanh nghiệp khác: 18,7 tỷ đồng và 2.730.000 cổ phiếu của ABIC (cổ tức chia bằng cổ phiếu). Ngoài ra, ngày 28/3/2022, Agribank nhận được cổ tức năm 2020 của CMC là 258.219 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ chi trả cổ tức là 9%; ngày 23/4/2022, Agribank nhận được cổ tức năm 2020 của Napas là 43,5 tỷ đồng.
Trong năm 2021, Agribank đã thực hiện thoái vốn thành công tại Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVComBank) thu về 2,9 tỷ đồng/2,5 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu; thoái một phần vốn đầu tư tại CMC (đến 31/12/2021, Agribank đã bán 908.700/3.777.811 cổ phiếu, thu về 56,1 tỷ đồng/156 tỷ đồng vốn đầu tư). Đồng thời, Agribank xây dựng phương án trình Ngân hàng Nhà nước để thực hiện thoái vốn tại Agriseco và ALCI.