Biểu đồ cho thấy cuộc khủng hoảng lạm phát tại Châu Âu
Lạm phát tại khu vực Eurozone đã lên mức cao kỷ lục kể từ khi đồng Euro ra đời.
Theo tờ New York Times (NYT), tình hình kinh tế tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang không mấy sáng sủa khi giá lương thực và năng lượng khiến lạm phát tại 19 nước thành viên dùng đồng Euro lên mức cao kỷ lục.
Cụ thể, báo cáo của Hội đồng Châu Âu (EC) mới đây cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của khu vực Eurozone đã lên mức 10% trong tháng 9/2022, tương đương mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được thành lập hơn 20 năm trước.
Con số này cũng cao hơn hẳn so với mức CPI chỉ 9,1% trong tháng 8/2022.
Tờ New York Times đánh giá đà tăng giá nhiên liệu và thực phẩm đang khiến tiêu chuẩn sống của hàng triệu người Châu Âu trở nên khó khăn hơn trong mùa đông năm nay.
Đồng thời, con số trên cũng là minh chứng cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như xung đột tại Ukraine đã tác động mạnh lên người dân Châu Âu hơn so với các nền kinh tế khác. Nỗi lo sợ đã khiến người tiêu dùng và nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn tài sản cũng như tích trữ nhu yếu phẩm, qua đó càng đẩy tình hình trở nên phức tạp hơn.
Báo cáo của EC cho thấy đà tăng giá năng lượng ở mức 40,8%/năm trong tháng 9/2022 tại Eurozone là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng phi mã như hiện nay. Giá lương thực cũng tăng 11,8% trong tháng 9, cao hơn mức 10,6% của tháng trước đó.
Trong số 19 quốc gia thành viên Eurozone, có đến 10 nước chịu mức lạm phát 2 chữ số, bao gồm cả nền kinh tế lớn nhất Châu Âu-Đức.
Số liệu chính thức cho thấy lạm phát tại Đức đã lên đến 10,9%, mức cao nhất kể từ năm 1951, trước cả khi 2 miền Đông-Tây Đức thống nhất. Tình hình này đã buộc chính quyền Berlin phải tuyên bố khoản hỗ trợ trị giá 200 tỷ Euro (195 tỷ USD) cho thanh toán hóa đơn năng lượng với các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đồng thời, chính phủ cũng phải áp giá trần khí đốt cung ứng trong bối cảnh mùa đông đến gần.
Những nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nhất trong Eurozone phải kể đến Estonia, Lithuania và Latvia khi lạm phát tại đây vượt ngưỡng 22%. Chuyên gia kinh tế Beata Javorcik của Ngân hàng phát triển và tái cấu trúc Châu Âu (EBRD) nhận định giá năng lượng là nguyên nhân chính khiến lạm phát đi lên tại đây.
Tại Hà Lan, giá bán lẻ năng lượng cho hộ gia đình trong tháng 9 đã tăng 17,1% so với mức 14% trong tháng trước đó. Tại Slovakia, con số này là 13,6%.
Tại Pháp, việc chính phủ nhanh chóng có những động thái quyết liệt nhằm áp trần giá năng lượng đã góp phần khiến lạm phát giảm nhẹ xuống còn 6,2% trong tháng 9 so với mức 6,6% của tháng trước đó. Tuy nhiên giá lương thực thì vẫn tăng cao và nhiều cuộc diễu hành đã diễn ra khi người dân đòi mức lương tăng tương ứng với đà lạm phát.
“Lạm phát đã tăng cao trong cả những lĩnh vực phi năng lượng, qua cả mảng dịch vụ. Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng đang có ảnh hưởng lan rộng ra nhiều ngành kinh tế”, giáo sư kinh tế Lucrezia Reichlin của trường đại học kinh tế London, đồng thời là cựu lãnh đạo nghiên cứu của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cảnh báo.
Tuy nhiên, bà Reichlin cũng nhận định khó dự đoán lạm phát trong tương lai bởi việc các nền kinh tế đi xuống có thể sẽ tạo áp lực giảm nhiệt đà tăng giá hiện nay.
Trong khi đó, hãng nghiên cứu Pantheon Macroeconomics nhận định các chính sách quyết liệt của chính phủ cũng có thể là một yếu tố chủ chốt khiến tình hình thay đổi trong 6 tháng tới.
Lan rộng
Theo NYT, tình trạng lạm phát tăng không chỉ ở Châu Âu mà còn đang lan rộng toàn thế giới. Đứt gãy chuỗi cung ứng, đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt cùng nhiều yếu tố khác đã khiến giá hàng loạt mặt hàng leo thang.
Phía ECB cho biết họ sẽ tiếp tục chính sách nâng lãi suất kịch liệt nhằm kiềm hãm đà lạm phát hiện nay. Nhiều dự báo cho thấy ECB có thể sẽ nâng tiếp ¾ điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng 10/2022.
Tuy nhiên theo McKinsey Global, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể và khả năng tiến trình đàm phán với Nga của Châu Âu sẽ chậm nên giá điện, xăng dầu và khí đốt ở đây sẽ còn ở mức cao trong vài năm tới.
Tình hình này sẽ khó có thể được giải quyết bởi ECB bởi chúng liên quan đến nguồn cung. Việc nâng lãi suất dù có cao đến đâu cũng không thể bất ngờ cung ứng thêm năng lượng cho nhà máy được nên giá cả hàng hóa có thể vẫn sẽ ở mức cao.
Tại Mỹ, tình hình lại sáng sủa hơn do đảm bảo được nguồn cung ứng năng lượng. Bởi vậy sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất và hạ nhiệt được giá dầu, lạm phát tại đây đã giảm nhẹ từ 6,4% trong tháng trước đó xuống còn 6,2% vào tháng 8/2022. Giá xăng dầu hiện nay tại Mỹ cũng đã giảm so với mức cao hồi giữa năm.
Theo NYT, mức lạm phát hiện nay vẫn quá cao so với mục tiêu 2% nhưng vẫn thấp hơn so với Châu Âu, qua đó cho thấy tình hình phức tạp tại khu vực Eurozone như thế nào.
Việc FED nâng lãi suất không chỉ kìm hãm đà lạm phát mà còn khiến đồng USD tăng giá và giới đầu tư rút vốn khỏi các thị trường khác để đổ vào tài sản tại Mỹ. Tình hình này có lợi cho nền kinh tế Mỹ nhưng vô hình chung lại lan tỏa lạm phát cũng như gia tăng rủi ro vỡ nợ lên các thị trường khác.
Do đồng USD là tiền tệ chính trên các sàn giao dịch hàng hóa thế giới nên Mỹ sẽ nhập khẩu được rẻ hơn khi đồng tiền này tăng giá. Trái lại các nền kinh tế khác dù trong bối cảnh lạm phát vẫn phải nhập khẩu năng lượng, lương thực ở mức giá cao hơn do đồng nội tệ mất giá.
Tờ NYT cho biết lạm phát bình quân thường niên tại 27 thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã vượt ngưỡng 10% vào tháng 8/2022. Ngay cả những nền kinh tế không dùng đồng tiền chung Euro tại đây cũng phải chứng kiến cảnh giá lương thực và năng lượng leo thang.
Tại Cộng hòa Séc, lạm phát vượt 17% trong tháng 8 đã tạo nên những bất ổn xã hội. Ở Ba Lan, tỷ lệ lạm phát cũng ở con số tương tự trong tháng 9, tương đương mức cao kỷ lục suốt 25 năm tại nền kinh tế này.
Tại Anh, chỉ số giá tiêu dùng đã lên đến 9,9% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, mức gần đỉnh 40 năm qua.
*Nguồn: NYT