“Biết đủ” và “tham dục” trong lý niệm của cổ nhân

Chia sẻ Facebook
10/09/2022 10:57:45

Tục ngữ cổ có câu: “Người tham lam sẽ muốn ngày càng nhiều, giống như con rắn muốn nuốt lấy cả con voi”. Một người nếu không biết đủ thì ngay cả khi có một khối tài sản khổng lồ họ vẫn cảm thấy thiếu. Lão Tử lại viết: “Tri túc chi túc, hằng túc hĩ”, nghĩa là người biết đủ thì sẽ vĩnh viễn không thấy thiếu thứ gì.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)


Vào triều đại nhà Minh, có một vị tiên sinh dạy học, gia cảnh bần hàn nhưng mỗi ngày đều dâng hương bái lễ, cảm tạ trời xanh ban phúc. Vợ của ông nghĩ mãi mà không hiểu, liền hỏi: “Một ngày ba bữa đều là húp cháo loãng, sao có thể tính là hưởng phúc?”


Vị tiên sinh này trả lời: “Sống ở nơi thái bình, không có chiến sự thảm họa, đó là cái hạnh phúc lớn nhất. Hàng ngày có quần áo mặc, có cái ăn, không đến mức đông chịu lạnh, đói không có gì ăn là hạnh phúc lớn thứ hai. Trong người không có bệnh tật, không có tai họa, trong lao ngục không có người nhà tù tội là cái hạnh phúc lớn thứ ba. Chúng ta có cả ba thứ ấy, chẳng phải là phúc rồi sao?”


Trong lòng tràn ngập lòng biết ơn, lòng biết đủ, thì hạnh phúc tự nhiên sẽ đến, bởi hạnh phúc là có tính tương đối. Lý niệm này của người xưa thể hiện rõ nhất trong chữ Hán cổ. Chữ “Dụ” (Đầy đủ, dư dật: “裕”) và “Dục” (Tham muốn: “欲”) là hai chữ đồng âm và có cấu tạo gần giống nhau. Nhưng hàm nghĩa của chúng lại trái ngược nhau.


Chữ “Dụ” (đầy đủ, dư dật: “裕”) do chữ “Y” (y phục, quần áo: “衣”) kết hợp với chữ “Cốc” (Ngũ cốc, lúa gạo “谷”). Nhìn vào chữ ấy có thể thấy, người xưa quan niệm rằng, chỉ cần có quần áo mặc và có lương thực để ăn thì đã là dư dật và sung túc rồi. Thời cổ đại, con người sống chủ yếu bằng nông nghiệp và săn bắn, thông qua lao động chân tay mà có cái ăn cái mặc. Cũng bởi vì thế mà người xưa rất quan tâm đến sự thay đổi của thời tiết, tế lễ Thần linh, mong được mưa thuận gió hòa, mong được có mùa màng bội thu. Ăn no mặc ấm thì liền cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, cũng là phù hợp với đạo lý: “Thấy đủ thường vui!”


Nhìn một chút về cuộc sống của con người ngày nay có thể thấy, việc ăn no mặc ấm đã sớm đạt được rồi. Rất nhiều người không chỉ còn là “ăn no mặc ấm” mà còn có điều kiện “ăn ngon mặc đẹp” . Nhưng như thế vẫn chưa thỏa mãn được dục vọng của con người. Vì vậy mà con người vẫn cảm luôn thấy không vui. Đây hết thảy đều là do chữ “Dục” mà thành.


Từ chữ “Dục” (tham muốn:“欲”) có thể thấy rõ ý nghĩa này. Chữ “Dục” (“欲”) là do chữ “Cốc” (ngũ cốc, lúa gạo “谷”) kết hợp với chữ “Khiếm” (thiếu, không đủ: “欠”) tạo thành. Điều đó ngụ ý rằng, dù đã có đủ thực phẩm để ăn no rồi nhưng vẫn còn cảm thấy thiếu thốn thì đó chính là không biết đủ, tham muốn nhiều hơn nữa.

Biết đủ thì người nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì người giàu sang cũng u buồn. Ở vào cùng một tình cảnh, chúng ta chỉ cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cái tâm của mình thì tình cảnh cũng tự nhiên thay đổi.

Biết đủ chính là quý trọng hết thảy những gì đang có ở hiện tại. Chúng ta đừng nên nghĩ mình thiếu những gì mà nên nghĩ nhiều về những thứ mình đã có và những thứ mình có thể cho đi. Nếu không biết quý trọng hiện tại thì những thứ ta đang có cũng không được lâu dài, nói gì đến những thứ ta ham muốn đây?


Thông thường, đại nạn không chết, bệnh nặng mà khỏi, hai việc ấy sẽ khiến con người cảm nhận rõ rệt được tâm tình biết đủ, khiến niềm hạnh phúc tăng lên gấp bội. Trái lại, không biết đủ mà tham lam thì sẽ dễ dàng bị lầm đường lạc lối, khiến tai họa “không nên có” ập đến.


Kỳ thực, dục vọng của con người là vô cùng vô tận. Nếu một người không học được biết đủ, không tu tỉnh lại bản thân, chỉ mải chạy theo dục vọng thì sẽ có ngày mất mạng. Đúng như người xưa giảng: “Thấy đủ thường vui, tham muốn quá nhiều thì mất mạng!”


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Ai đã lấy mất niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng ta?


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook