Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, nghĩa là: biết đủ thì không bị nhục nhã, biết dừng thì không gặp nguy hiểm, có thể được lâu bền. Biết đủ và biết dừng là một loại trí tuệ trong nhân sinh quan của người xưa.
Đạo Đức Kinh còn viết công thành rồi thì thân thoái, xưa nay trăm loại cây cối khi hoa nở thì rực rỡ xán lạn, nhưng một khi có quả thì hoa liền rụng xuống. Khi quả đã trưởng thành thì hương thơm bay xa, nhưng một khi quả đã chín rồi thì cũng sẽ rụng xuống, sẽ không chiếm cứ chỗ trên cành cây nữa. Bởi vậy, Lão Tử cho rằng, hành vi của con người phải phù hợp với đạo của trời, công lao sự nghiệp đã thành rồi thì nên lui về phía sau, đối với tài vật thì phải biết đủ, biết dừng.
Sách Tăng Quảng Hiền Văn đem loại trí tuệ “biết đủ, biết dừng” này tổng kết thành hai câu tán dương cũng là lời răn cho người đời sau: “ Tri túc thường túc, chung thân bất nhục; tri chỉ thường chỉ, chung thân bất sỉ” , nghĩa là người biết đủ sẽ thường xuyên cảm thấy thỏa mãn, cả đời sẽ không bị dục vọng của mình khống chế mà làm nhục chính mình. Người làm việc có chừng có mực, biết dừng lại đúng lúc thì sẽ có thể tiết chế được mình, kiểm soát được hành vi của mình. Vì thế, cả đời họ sẽ không vì hành vi không phù hợp của mình làm cho cảm thấy hổ thẹn, gặp tai họa.
Năm Nguyên Khang thứ 3 thời Hán Tuyên Đế (Năm 63 TCN), Thái tử thái phó Sơ Quảng đã nói với con trai của ông là Sơ Thụ rằng: “Ta nghe nói, biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy, nay làm đến chức quan hưởng bổng lộc hai ngàn thạch, quan đã thành danh đã lập, như thế mà không biết dừng thì sợ rằng sẽ hối hận về sau.”
Sơ Thụ lúc ấy làm Thái tử thiếu phó. Hai cha con Sơ Quảng và Sơ Thụ đều là đại thần thân cận Hoàng tộc, quyền cao chức trọng, ở dưới ít người ở trên vạn người. Cuối cùng, sau khi đã bàn bạc, hai cha con họ dâng sớ lên xin Hoàng thượng cho nghỉ, về quê dưỡng lão. Sau nhiều lần, Hoàng đế chấp thuận và ban thưởng cho hai cha con nhiều tiền vàng, tiễn họ về quê dưỡng lão.
Sau khi hai cha con Sơ Quảng và Sơ Thụ hồi hương đã bán tiền vàng, đổi lấy đồ ăn thức uống thiết đãi gia tộc, tặng cho người nghèo và sống đạm bạc vui vầy bên làng xóm. Có người cảm thấy tiếc cho quyết định của Sơ Quảng. Có người lại khuyên ông nên để dành tiền vàng lại cho con cháu sau này. Nhưng Sơ Quảng nói: “Trong nhà tôi vốn có chút ruộng đất cũ, con cháu chăm chỉ cày cấy thì sẽ đủ sinh sống như mọi người. Hiện giờ mà mua thêm ruộng đất thì sẽ là dư thừa, chỉ khiến con cháu lười biếng đi mà thôi.”
Sau đó, ông lại nói: “Người hiền mà nhiều tiền của thì tất sẽ bị nhụt ý chí. Người ngu đần mà nhiều tiền của thì sẽ dễ phạm lỗi lầm. Huống hồ người giàu có lại là đối tượng mà mọi người oán ghét. Tôi không muốn khiến con cháu phạm phải tội lỗi, cũng không muốn chiêu mời sự oán thù cho chúng. Sống vui vầy cùng nhau, hưởng thụ tuổi già chẳng phải là tốt sao?” Những lời nói của Sơ Quảng khiến mọi người bội phục.
“Người giỏi mà nhiều tiền của ắt nhụt chí khí, người ngu nhiều tiền ắt gây lỗi lầm” , đây là đạo lý mà 2000 năm trước, Sơ Quảng đã nhận ra. Chẳng phải vẫn còn rất nhiều trường hợp rơi vào hoản cảnh đúng như lời nhận định này của Sơ Quảng sao?
Một người được gọi là hiền, chính là người có đức có tài, có khả năng làm việc. Còn chí khí chính là chí hướng, phẩm đức. Xưa nay, rất nhiều quan chức lúc mới đầu đức hạnh của họ còn tốt, cũng làm được không ít chuyện tốt, nhưng địa vị một khi cao lên, điều kiện một khi tốt hơn, nhiều tiền nhiều của hơn, thì cái chí của họ liền bị suy yếu mà mất đi. Chí mất đi rồi thì hủ hóa cũng liền bắt đầu, hủ bại liền đến. Có một số người trải qua khổ cực cay đắng mà được một chút tiền tài, nhưng bởi vì khuyết thiếu tu dưỡng, kết quả bởi vì tài phú mà gặp phải đủ mọi loại bi kịch. Những hiện tượng này đều nói rõ, đạo lý mà Sơ Quảng đúc kết ra không phải là “lỗi thời”.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Mời xem video :