Biển Đông: Trung Quốc lại cáo buộc tàu chiến Mỹ 'xâm phạm chủ quyền' khi di chuyển 'phi pháp' vào Bãi Cỏ Mây

Chia sẻ Facebook
13/12/2023 07:43:17

"Mỹ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến nền hòa bình và ổn định trong khu vực," người phát ngôn của Quân khu Miền nam của Trung Quốc nêu.

Nguồn hình ảnh, ReutersChụp lại hình ảnh, Cảnh bãi cạn chiến lược Second Thomas Shoal, mà phía Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây vào tháng 9/2023

4 tháng 12 2023

Trung Quốc hôm nay tuyên bố tàu chiến của Mỹ đã di chuyển 'phi pháp' vào vùng lãnh hải cạnh bãi cạn chiến lược Second Thomas Shoal, mà phía Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây.

Tuyên bố còn cho rằng Mỹ đã cố tình gây cản trở trên Biển Đông và xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, và cho biết Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã cắt cử các binh sĩ theo dõi tàu chiến Mỹ, và rằng "các binh sĩ trong quân khu luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ mọi lúc mọi nơi để kiên quyết bảo vệ nền chủ quyền quốc gia."

Hiện chưa có phản hồi chính thức từ phía Hải quân Mỹ liên quan đến tuyên bố này của Trung Quốc.


Trước đó, tuyên bố ngày 25/11 của Hạm đội 7 của Mỹ nêu, 'Thông qua việc di chuyển vào tuyến đường vô hại mà không thông báo trước hoặc không cần phải xin phép bất kỳ quốc gia tuyên bố chủ quyền nào, Mỹ thách thức những hạn chế phi pháp do Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt [trên Biển Đông]".

Hải quân Mỹ tuyên bố tàu chiến USS Hopper đã thực thi hoạt động vì nền tự do hàng hải (viết tắt từ Operational challenges against excessive maritime claims - FONOP) trên Biển Đông gần quần đảo Paracel, mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa.

Biển Đông: Mỹ tuyên bố thách thức các hạn chế 'phi pháp' của Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã có một số cuộc đối đầu với lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines trong vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Đông.

Trong diễn biến mới nhất, Philippines đã cáo buộc Trung Quốc đã huy động "đông đảo" tàu dân quân ở vùng biển lân cận rạn san hô Whitsun Reef, mà phía Việt Nam gọi là Bãi Ba Đầu. Theo Manila thì đã có 135 tàu dân quân của Bắc Kinh hiện diện trên Biển Đông.

Philippines nói sự hiện diện các tàu dân quân ngày càng đông đảo này từ phía Trung Quốc mang tính chất "báo động".

Lực lượng cảnh sát biển của Philippines nói số tàu dân quân này "được phân bổ rải rác" lân cận rạn san hô Whitsun Reef, và tuyên bố đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này.

Rạn san hô Whitsun Reef - phía Trung Quốc gọi là Julian Felipe Reef, Việt Nam gọi là Bãi Ba Đầu - nằm cách hòn đảo Palawan của Philippines khoảng 320 km về phía tây, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000 km.

Whitsun Reef hay Bãi Ba Đầu hiện là nơi đang có sự tranh chấp toàn phần hoặc một phần giữa các bên Việt Nam, Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan và Brunei.

Hiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết trên Biển Đông, khu vực có giá trị thương mại trên biển trị giá hơn 3.000 tỷ USD, bên cạnh đó Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số phần lãnh thổ.

Biển Đông: Mỹ tuyên bố thách thức các hạn chế 'phi pháp' của Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan

Nguồn hình ảnh, Philippines Coast Guard

Chụp lại hình ảnh,

Hình ảnh từ Lực lượng Cảnh sát Biển của Philippines cho thấy tàu dân quân Trung Quốc hoạt động ở rạn san hô Whitsun Reef, phía Việt Nam gọi là Bãi Ba Đầu

Lực lượng Cảnh sát biển Philippines nói số lượng tàu dân quân của Trung Quốc trong khu vực này đã tăng lên nhanh chóng từ con số 111 tàu, mà họ ghi nhận hồi tháng 11.

Hiện Trung Quốc chưa có phản hồi chính thức liên quan đến tuyên bố của Philippines.

Căng thẳng đã leo thang giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr lên nắm quyền hồi năm ngoái.

Hồi tuần rồi, Philippines đã tiến hành hai đợt tuần tra trên biển và trên không với Úc trên Biển Đông.

Vào tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một phát biểu, được xem là mạnh mẽ nhất kể từ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila nóng lên trong những tháng gần đây.

"Tôi muốn nói rõ - tôi muốn rất rõ ràng rằng: Mỹ có cam kết bảo vệ không thể xoay chuyển [ironclad] dành cho Philippines. Thỏa thuận phòng vệ của Mỹ với Philippines là không thể xoay chuyển," ông tuyên bố.

Việt Nam tăng cường bồi đắp 'ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông'


Trong khi đó, giữa tháng 11, báo cáo của Center for Strategic and International Studies (CSIS) bao gồm những hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đang tăng cường nạo vét và bồi đắp tại quần đảo Spratly, phía Việt Nam gọi là Trường Sa.

Theo CSIS, Việt Nam xếp thứ hai sau Trung Quốc xét về nỗ lực nạo vét và bồi đắp đảo trên Biển Đông.

Cụ thể 330 mẫu Anh (acre), tương đương 1,3 km2 đã được bồi đắp tính từ tháng 12/2022 cho đến thời điểm công bố báo cáo, cao hơn nhiều so với diện tích 120 mẫu Anh (acre), tương đương 0,4 km2 đã được Việt Nam bồi đắp trong khoảng từ năm 2012 đến 2022.

Theo Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative - AMTI) trực thuộc CSIS, thì tổng cộng Việt Nam đã bồi đắp được tổng cộng 750 mẫu Anh (acre), tương đương khoảng 3 km2.


Trong khi đó, Tổ chức Sáng kiến thăm dò Biển Đông (SCS Probing Initiative) của Trung Quốc hôm 20/11, trên mạng xã hội X, thống kê rằng Việt Nam đã bồi đắp được tổng cộng 3,22 km2 tại các bãi cạn, rạn san hô trên Biển Đông.

Chia sẻ Facebook