Biến động lớn về xếp hạng PCI 2022, lãnh đạo các địa phương nói gì?
Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao trong xếp hạng PCI 2022.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 được VCCI công bố sáng 11/4. Thay vì xếp hạng 63 tỉnh thành như mọi năm, PCI 2022 chỉ điểm danh 30 địa phương có điểm số tốt nhất. Lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương đã có những chia sẻ về thành tích đạt được trong bảng xếp hạng được công bố lần này.
Bí thư Quảng Ninh: PCI là “con số biết nói”
Với 72,95 điểm trên thang 100, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh năm thứ 6 liên tiếp. Theo khảo sát đối với các doanh nghiệp, tỉnh này tiếp tục ghi điểm nhờ những sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.
Chia sẻ về thành tích giữ vững “ngôi vương” suốt 6 năm, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh nói rằng, việc duy trì tính liên tục theo trật tự tuyến tính trên trục thời gian suốt 10 năm qua, chỉ số PCI của Quảng Ninh hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của ông Ký, chỉ số PCI được công bố là những "con số biết nói", ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người.
Chủ tịch Đồng Tháp: PCI là thước đo của chính quyền
Đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Kể từ PCI 2007 đến nay, tỉnh đã có 15 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành kinh tế.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, kết quả PCI năm 2022 là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nối dài thành tích 15 năm liên tiếp tỉnh Đồng Tháp nằm trong nhóm các tỉnh thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất.
Vị lãnh đạo cho biết, nhìn từ kết quả đạt được, Đồng Tháp tuy còn nhiều khó khăn song vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện.
“Chúng tôi xem chỉ số PCI là thước đo để soi rọi lại những vấn đề còn tồn đọng của chính quyền, từ đó có chính sách khắc phục”, ông Nghĩa nói và cho biết, cán bộ, công chức, viên chức tỉnh sẽ tiếp tục thay đổi tư duy quản lý để cùng xây dựng một chính quyền phục vụ, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Bí thư Đắk Nông: Sẽ cải thiện thứ hạng PCI 2023
Chỉ số PCI 2022 tỉnh Đắk Nông đạt 64,87 điểm, xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tăng 14 bậc so với năm 2021.
Chia sẻ về sự thay đổi này, ông Ngô Thanh Danh - Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông cho biết xác định cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những giải pháp trọng yếu để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động để thực hiện các giải pháp đó.
Theo ông Ngô Thanh Danh, tỉnh Đắk Nông đã tập trung đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của tỉnh.
Trong thời gian tới, ông Danh cho biết tỉnh tiếp tục đặc mục tiêu cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI năm 2023. Để thực hiện điều đó, tỉnh lấy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là mục tiêu phấn đấu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Hưng Yên: Thứ hạng PCI thể hiện tình cảm của DN
Tỉnh Hưng Yên có chỉ số PCI 2022 đạt 67,91 điểm, đưa tỉnh này vươn lên vị trí 14 của cả nước, tăng 25 bậc so với năm 2021. Chia sẻ về kết quả này, ông Trần Quốc Văn – Chủ tịch tỉnh Hưng Yên nói rằng, sự tăng trưởng về thứ tự xếp hạng PCI năm 2022 thể hiện tình cảm sâu sắc của doanh nghiệp với với chính quyền địa phương.
Theo ông Văn, hai năm qua, thứ hạng PCI của Hưng Yên luôn được cải thiện vượt bậc, kết quả đó nhờ vào quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp.
“Qua mỗi lần xếp hạng, tỉnh Hưng Yên luôn tự xem lại mình để từ đó, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi đầu tư tại địa phương, cũng như nâng cao sự cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương với nhau, bám sát vào 10 chỉ tiêu thành phần trong xếp hạng PCI để làm sao các chỉ tiêu này ngày càng cải thiện”, ông Văn nói .