Biến chứng thủy đậu, ca nhập viện tăng nhanh
Thủy đậu là một bệnh lý có khả năng lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa tốt. Hơn nữa, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân mắc thủy đậu gia tăng tại Hà Nội.
Nhiều ca nhập viện
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, ghi nhận gần 2.000 ca bệnh thủy đậu (tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều ca mắc thủy đậu nặng, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền. Hiện tại trung tâm vừa tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam, 29 tuổi, ở Bắc Ninh. Qua khai thác người nhà cho biết, bệnh nhân có dấu hiệu bị thủy đậu, nhưng đi khám thì chỉ uống thuốc rồi về, 2 hôm sau bệnh nhân thấy có dấu hiệu khó thở hơn. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng hồng cầu tụt, khó thở, phải hỗ trợ thở oxy, tình trạng tổn thương da toàn thân, nổi các nốt phỏng, sốt.
Bác sĩ Cường cho biết, đây là trường hợp thủy đậu nặng, có biến chứng, suy gan, suy hô hấp, có biểu hiện tổn thương. Bệnh nhân có tiền sử bệnh gút và phải điều trị bằng thuốc kháng virus, truyền tĩnh mạch, hồi sức tích cực… Những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng mắc các bệnh nền như: Ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như Corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận. Đặc biệt một số bệnh nhân nhập viện trên cơ địa đặc biệt hay phụ nữ có thai. Đây là những đối tượng khi mắc bệnh thì virus sẽ bùng lên và gây tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu, dễ dẫn đến tử vong.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này.
Đặc biệt, bệnh thủy đậu ở phụ nữ mang thai có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi, nhất là khi mẹ mắc bệnh ở giai đoạn đầu thai kỳ hoặc trước sinh. Nếu thai phụ mắc bệnh trong giai đoạn đầu thai kỳ, nguy cơ sảy thai sẽ tăng cao. Hơn nữa, trẻ sinh ra có thể mắc thủy đậu bẩm sinh hoặc có nhiều dị tật như: Đầu nhỏ, tay chân co gồng, bại não, nhẹ cân, chậm phát triển…Trường hợp thai phụ mắc bệnh ở những ngày gần sinh hoặc sau sinh, trẻ có nguy cơ bị nhiễm bệnh với tình trạng nghiêm trọng, có nhiều mụn nước, dễ mắc viêm phổi, viêm đường hô hấp…
Thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm.
Không chủ quan
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, thời tiết mùa hè nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh như tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản… phát triển và gia tăng. Đặc biệt, hiện nay, các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc chích ngừa đầy đủ khiến cho virus thủy đậu không còn tồn tại trong cộng đồng, tuy nhiên tại Việt Nam, do tình trạng số trẻ chích ngừa bệnh không đủ 100% nên virus dễ lây.
Theo bác sĩ Cường, không nên chủ quan cho rằng bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, bị vài ngày rồi khỏi. Trong đó, người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác.
TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, bệnh thủy đậu là kết quả của sự nhiễm trùng do Varicella zoster virus (VZV), thường xuất hiện sau khoảng 10 - 14 ngày kể từ khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. VZV có tính chất phát ban theo các đợt liên tiếp, và đi kèm với những dấu hiệu như ngứa, sẩn đỏ, mụn nước, mụn mủ.
Tiền triệu chứng của bệnh thủy đậu có thể có sự đa dạng tùy thuộc vào từng trường hợp, thường bao gồm: Nhức đầu, sổ mũi và đau toàn thân. Trong giai đoạn toàn phát, sau khoảng 24 - 36 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng tiền phát, trẻ sẽ sốt nhẹ và có triệu chứng phát ban. Ban đầu, các tổn thương thường xuất hiện trên đầu và khuôn mặt, sau đó lan rộng ra toàn bộ cơ thể và các chi.
Theo BS Nguyễn Đăng Mạnh, hiện tại không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Cách tốt để phòng ngừa bệnh thủy đậu là tiêm phòng vaccine thủy đậu. Việc tiêm vaccine sẽ kích thích cơ thể sản xuất kháng thể chống lại chủng virus gây bệnh, giảm nguy cơ mắc bệnh và ngăn chặn sự lây lan.
>> Xem thêm: