Biến chứng thai sản, nguy cơ sinh non, phát hiện chính xác để xử trí an toàn
Phát hiện chính xác, kịp thời xử trí biến chứng thai sản, nguy cơ sinh non góp phần bảo vệ các em bé sinh ra an toàn, phát triển toàn diện và bảo vệ sức khỏe cho các bà mẹ.
Sẽ có rất nhiều những nguy cơ tiềm ẩn khi cả hai mẹ con đều có những phát triển song hành. Người phụ nữ mang thai luôn có nhiều sự thay đổi trong cấu trúc cơ thể, hoạt động tâm sinh lý cùng với sự phát triển của em bé trong bụng. Tầm soát, chẩn đoán và xử trí kịp thời các biến chứng thai kỳ, giảm thiểu nguy cơ sinh non, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé chính là mục tiêu của các bác sĩ sản khoa khi tiếp nhận việc theo dõi thai kỳ.
Vào lúc 20h00 ngày 22/4/2022, chương trình Tư vấn trực tuyến: “Biến chứng thai sản, nguy cơ sinh non, phát hiện chính xác để xử trí an toàn” sẽ diễn ra với sự đồng hành tư vấn của các chuyên gia hàng đầu. Cùng theo dõi, đặt câu hỏi và lắng nghe giải đáp từ các chuyên gia, các bác sĩ giàu kinh nghiệm đã từng xử trí thành công rất nhiều ca biến chứng thai sản, sinh non đến từ khoa Phụ sản của BVĐK Tâm Anh Hà Nội: ThS. BS Đinh Thị Hiền Lê - Bác sĩ Cao cấp khoa Phụ Sản; ThS.BS. Nguyễn Thu Vân - Phó khoa Sơ sinh; ThS. BS Cao Thị Thúy Hà - Bác sĩ khoa Phụ Sản.
Sinh non và các biến chứng thai sản nguy hiểm
Biến chứng thai sản là một trong những vấn đề lớn xuyên suốt quá trình theo dõi và chăm sóc thai kỳ. Các biến chứng thường gặp như tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường, bệnh lý nhiễm trùng, chuyển dạ sinh non… Đặc biệt, một biến chứng quan trọng khác là vỡ tử cung dẫn tới sốc do mất máu nhiều gây tử vong cả mẹ và bé.
Sinh non được các bác sĩ xem là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sinh mạng của mẹ và bé. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sinh trước 37 tuần tuổi và cân nặng lúc sinh thấp hơn 2500gram được xem là sinh non. Trẻ sinh càng non thì nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe trong giai đoạn sơ sinh, chậm phát triển tâm thần vận động trong những năm đầu đời ngày càng cao. Đặc biệt, trẻ sinh cực non (trước 28 tuần tuổi) dễ gặp nhiều biến chứng: hội chứng nguy kịch hô hấp, loạn sản phế quản phổi, vàng da, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, thiếu máu, ngưng thở…
Tại khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc tiên tiến hàng đầu thế giới đã tầm soát, theo dõi thai kỳ của từng bà mẹ, giúp chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe, dự phòng nguy cơ sinh non, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, với sự phối hợp đa chuyên khoa sản - sơ sinh, các bác sĩ hồi sức tích cực luôn túc trực để chuyển bé từ phòng sinh về khoa Sơ sinh bằng thiết bị hiện đại, chuyên dụng, theo dõi sát sao bằng phác đồ chăm sóc đặc biệt. Các em bé sinh non có nhiều chuyển biến tích cực về sức khỏe nhờ sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại cùng chuyên môn giỏi của đội ngũ y bác sĩ.
ThS. BS Cao Thị Thúy Hà - Bác sĩ khoa Phụ Sản cho biết: “Nhiều người hiểu nhầm rằng việc sinh non đa phần nguyên nhân từ người mẹ. Thực tế cho thấy, sinh non bao gồm các nguyên nhân xuất phát từ thai và phần phụ như: người mẹ mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, gan, thận; tình trạng viêm nhiễm hoặc bất thường âm đạo, cổ tử cung; tai biến sản giật hoặc tiền sản giật; người mẹ lớn tuổi; khoảng cách mang thai ngắn… Tiền sử gia đình hoặc tiền sử sảy, sinh non trước đó cũng được đánh giá là yếu tố dẫn tới sảy thai…”.
ThS. BS Cao cấp Đinh Thị Hiền Lê nhấn mạnh: “Điều trị sinh non không đồng nghĩa với chấm dứt nguy cơ sinh non bởi nguy cơ sinh non không thể loại bỏ hoàn toàn. Các kỹ thuật can thiệp xử trí nguy cơ sinh non với mục tiêu hỗ trợ kéo dài thời gian thai nhi phát triển trong bụng mẹ, tạo cơ hội cho trẻ có cơ hội sống sau khi chào đời”.
Tại BVĐK Tâm Anh, các kỹ thuật cao trong phát hiện và xử trí biến chứng thai sản, nguy cơ sinh non liên tục được cập nhật, áp dụng linh hoạt. Đặc biệt, các kỹ thuật can thiệp điều trị truyền máu song thai được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu. Đây là một trong những kỹ thuật khó, phức tạp thuộc lĩnh vực y học bào thai đã được chứng minh hiệu quả đối với việc điều trị giảm thiểu nguy cơ sinh non, mang lại cơ hội sống cho thai nhi, giảm thiểu chi phí điều trị cho các gia đình thay vì trước đây phải ra nước ngoài điều trị.
Bên cạnh việc tầm soát, can thiệp điều trị dự phòng sinh non, phác đồ giờ vàng cũng được áp dụng thường quy tại bệnh viện nhằm cứu sống và chăm sóc trẻ sinh non, giúp trẻ cùng gia đình vượt qua “cuộc chiến” khó khăn, đe dọa đến tính mạng. BVĐK Tâm Anh hiện đang làm chủ phương pháp điều trị cho trẻ sinh non theo chiều hướng ít xâm lấn này. Kiểm soát nhiễm khuẩn chính là yếu tố quyết định vấn đề nuôi em bé sinh non thành công hay thất bại. Chăm sóc trẻ sinh non đòi hỏi tất cả quy trình, thủ thuật phải chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về rửa tay, xử lý dụng cụ đúng quy trình…
“Chăm sóc trẻ sinh non không chỉ cần đạt được mục tiêu phát triển thể chất như cân nặng, mức độ tăng cân, chiều dài cơ thể… mà tại BVĐK Tâm Anh còn đặc biệt chú trọng, quan tâm tới vấn đề phát triển hệ thần kinh của trẻ. Bằng các phương pháp điều trị ưu tiên bảo vệ hệ thần kinh, các em bé sinh non được đảm bảo công bằng về cơ hội phát triển thể chất, trí tuệ so với những em bé bình thường khác”, ThS.BS Nguyễn Thu Vân - Phó khoa Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh cho hay.
Với mong muốn giúp các mẹ, những người đã, đang hoặc sẽ bước trên hành trình 9 tháng 10 ngày đầy thiêng liêng có thêm hiểu biết về sinh non, chuẩn bị cho thai kỳ an toàn, BVĐK Tâm Anh phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến: “Biến chứng thai sản, nguy cơ sinh non, phát hiện chính xác để xử trí an toàn”.
Cùng theo dõi chương trình phát sóng trực tiếp trên Báo điện tử vtv.vn, thanhnien.vn, website vnvc.vn, website nutrihome.vn , website tamanhhospital.vn .
Chương trình cũng tiếp sóng trên ứng dụng VTVGo của Đài truyền hình Việt Nam và các fanpage: Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Tin nóng miền Trung, VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, IVFTA, kênh Youtube: Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Báo Thanh niên.
- Tiếp sóng trên fanpage Báo điện tử VnExpress.net, Báo Thanh Niên. Độc giả đặt câu hỏi tại đây .