Biden gặp đồng minh Đông Âu, hứa hẹn bảo vệ trước 'đe dọa' của Nga
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gặp các thành viên Đông Âu của NATO vào thứ Tư để bày tỏ sự ủng hộ sau khi Nga đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân.
8 giờ trước
Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Biden của Mỹ gặp Tổng thống Duda của Ba Lan
Biden đến thủ đô Warsaw của Ba Lan sau chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv.
Trong Thông điệp Liên bang trưa 21/2, Tổng thống Vladimir Putin nói Nga đình chỉ việc tham gia New START, nhưng không rút khỏi hiệp ước này.
Trong bối cảnh căng thẳng, ông Biden đã phát biểu trước hàng ngàn người ở trung tâm thành phố Warsaw hôm thứ Ba và nói rằng phải phản đối "những kẻ chuyên quyền" như Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc Nga đình chỉ Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (New START) là "một sai lầm lớn", Biden nói.
Biden đã gặp các nhà lãnh đạo Đông Âu tại Ba Lan.
Khi khai mạc cuộc họp, Biden đã tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh của họ.
"Là sườn phía đông của NATO, các bạn là tuyến đầu trong hệ thống phòng thủ tập thể của chúng tôi," Biden nói.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho biết ông muốn sự tham gia nhiều hơn của Hoa Kỳ tại châu Âu, và nhiều vũ khí hơn được gửi tới Ukraine.
"Hãy cung cấp cho Ukraine tất cả vũ khí cần thiết để đánh bại kẻ xâm lược," Nauseda đã tweet vào thứ Tư trước cuộc họp.
Nhưng Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình về Ukraine để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa.
Ông Szijjarto nói trong một cuộc họp báo ở Budapest: "Sau khi xem và nghe các bài phát biểu của các tổng thống Hoa Kỳ và Nga ngày hôm qua, tôi nghĩ họ sẽ giúp ích nhân loại bằng cách nói chuyện với nhau."
Tại cuộc họp hôm thứ Tư, Tổng thống Romania Klaus Iohannis nói rằng phương Tây nên đoàn kết giúp đỡ Ukraine.
Ông nói: "Chúng ta phải tiếp tục giữ vững lập trường trong việc thực hiện các cam kết hỗ trợ Ukraine."
Ngày 20/2, Tổng thống Biden đã thăm bất ngờ Kyiv - chuyến đi đầu tiên của ông tới Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ngày 24/2/2022.
New START - ký năm 2010 - là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Hoa Kỳ.
Tháng 1/2021, Tổng thống Putin đã gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026.
Trong diễn tiến khác, ngày 22/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hội đàm với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị đang ở thăm Nga.
Ông Vương Nghị nói hai nước kiên quyết phản đối các hành động đơn phương, bá quyền.