Bị trả lại 1.808 tỷ đồng, VietBank tiếp tục trầy trật mua Lim Tower II
Dù có kế hoạch mua Lim Tower II từ năm 2018 và hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng BĐS từ năm 2020, song đến nay, Vietbank vẫn chưa thể hoàn thành mua toà nhà này.
Gần 5 cho kế hoạch tại Lim Tower II
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UpCOM: VBB) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Đáng chú ý, trong Báo cáo này, ngân hàng đã thuyết minh thêm khoản phải thu đặt cọc chuyển nhượng bất động sản giá trị 1.808 tỷ đồng.
Trong đó, 1.100 tỷ đồng được Vietbank dùng để nhận chuyển nhượng bất động sản là Trung tâm Thương mại dịch vụ Lim Tower II tại số 62A Cách mạng Tháng Tám, phường 6, quận 3, Tp.HCM theo hợp đồng đặt cọc với Công ty TNHH Lương Thạch.
Theo đó, ngân hàng đã nhận phí cam kết là 8,25 tỷ đồng mỗi tháng, được trả hàng tháng. Thời gian thực hiện hợp đồng tối đa là 12 tháng tính từ ngày hợp đồng đặt cọc được ký kết và đã được gia hạn đến 25/5/2023.
Tuy nhiên, ngày 26/12/2022, công ty Lương Thạch đã gửi công văn đề nghị chuyển trả toàn bộ số tiền 1.808 tỷ đồng mà ngân hàng đã đặt cọc nói trên.
Sau đó, Nghị quyết HĐQT ngân hàng ngày 4/1/2023 đã đồng ý nhận lại toàn bộ số tiền đã đặc cọc. Song, không phụ thuộc vào việc đặt cọc chấm dứt, công ty Lương Thạch đồng ý ngân hàng vẫn là bên được ưu tiên chuyển nhượng bất động sản theo các thoả thuận và văn bản đã ký.
Theo đó, vào 4/1/2023, công ty Lương Thạch đã hoàn tất việc hoàn trả khoản đặt cọc này cho Vietbank.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, kế hoạch mua toà nhà Lim II của Vietbank vẫn chưa được hoàn tất sau gần 5 năm.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của VietBank đã thông qua đầu tư mua tòa nhà Lim II với giá dự kiến là 1.400 tỷ đồng để làm trụ sở.
Tới ngày 27/12/2019, Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của VietBank đã thông qua không đầu tư vào toà nhà Lim II, với lý do thủ tục kéo dài, đối tác chưa hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng.
Tuy nhiên, chỉ nửa năm sau, ĐHĐCĐ thường niên ngày 25/5/2020 của VietBank lại một lần nữa chấp thuận mua một phần toà nhà Lim II. Giá mua tài sản dự kiến là 1.340 tỷ đồng - tức là chỉ thấp hơn 60 tỷ đồng so với phương án mua cả toà nhà Lim II mà chính VietBank hủy bỏ cách đó không lâu.
Cho đến ngày 10/8/2020, VietBank ký hợp đồng đặt cọc nói trên với công ty Lương Thạch để nhận chuyển nhượng một phần toà Lim II.
Theo tìm hiểu, công ty Lương Thạch là một pháp nhân có liên hệ mật thiết với Tập đoàn Hoa Lâm - cổ đông đầu tư vào VietBank. Dựa vào hợp đồng đặt cọc mua tòa nhà Lim II lúc trước, hơn 1.800 tỷ đồng của VietBank đã “chảy sang” Lương Thạch mà không phải dưới hình thức khoản vay, không cần tài sản bảo đảm, không cần phương án sử dụng vốn và lãi suất chỉ chỉ 9%/ năm với khoản 1.100 tỷ đồng và 10%/ năm với khoản 708 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau kiểm toán nhích tăng
Một điểm đáng chú ý khác tại Báo cáo tài chính kiểm toán là lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau kiểm toán đạt 656 tỷ đồng, tăng so với mức 649 tỷ đồng trong báo cáo trước đó. So với năm 2021, lợi nhuận Vietbank đã tăng 3,2%.
Thu nhập lãi thuần tăng 21,8% so với năm 2021 lên thành 1.811 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lên mức 121 tỷ đồng, tăng 28,4%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi gấp gần 5 lần so với năm 2021 đạt 55,6 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt 111.307 tỷ đồng, cũng thay đổi so với mức 111.936 tỷ đồng đã công bố trước đó. Theo đó, chỉ tiêu ghi nhận giảm là các khoản phải thu, giảm 22% xuống 2.233 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng cho vay khách hàng đến cuối năm 2022 đạt 63.633 tỷ đồng. Về chất lượng nợ, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 26% lên 2.324 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2021 lên 1.814 tỷ đồng, nhưng tỉ lệ nợ xấu giữ nguyên ở mức 3,65%.
Về nguồn vốn, tiền gửi từ khách hàng, bao gồm giấy tờ có giá, đạt 81.110 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu sau kiểm toán tăng 0,14% lên 6.266 tỷ đồng. Trong đó, các quỹ của tổ chức tín dụng tăng thêm 78 tỷ đồng lên 398 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối lại giảm từ 1.160 tỷ đồng xuống 1.091 tỷ đồng sau kiểm toán .