Bị thủng dạ dày vì thói quen nhiều người vẫn mắc phải hàng ngày
Tai nạn vì nuốt tăm tre không phải hiếm gặp, hàng năm các bác sĩ đã phải tiếp nhận rất nhiều ca bệnh kiểu này.
Ngày 25/3, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tp.HCM cho biết, vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị dị vật đường tiêu hóa. Bệnh nhân là bà L.K.L. (65 tuổi, ngụ tại tỉnh Tây Ninh) đến bệnh viện thăm khám sau nhiều ngày bị đau bụng âm ỉ.
Qua thăm khám và khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân thường có thói quen ngậm tăm xỉa răng sau khi ăn. Các bác sĩ đã chỉ định nội soi kiểm tra vùng dạ dày, thực quản cho người bệnh.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ phát hiện có dị vật là cây tăm dài 3,5cm đã đâm xuyên đầu nhọn vào thành dạ dày người bệnh. Bằng thiết bị chuyên dụng, các bác sĩ đã lấy thành công cây tăm ra khỏi đường tiêu hóa của bệnh nhân. Bà L. may mắn khi vết thương dạ dày chưa nghiêm trọng.
Cũng tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật thành công cho bệnh nhân B.T.S (19 tuổi, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) bị thủng ruột do nuốt nhầm tăm tre.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ quanh rốn. Các bác sĩ tiến hành chụp cắt lớp vi tính và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân S. bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng, cần được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Khi tiến hành phẫu thuật, kíp mổ nhận thấy nguyên nhân gây thủng ruột là một que tăm tre nhọn. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy dị vật, khâu phục hồi ruột non thành công, sau đó lau rửa ổ bụng và đặt dẫn lưu. Sau phẫu thuật 01 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Ths.Bs Trần Thanh Tùng – Phụ trách Khoa Ngoại tổng hợp - cho biết: Dị vật đường tiêu hóa là một tai nạn rất thường gặp trong đời sống hàng ngày, có nhiều tình huống khác nhau có thể là mắc nghẹn, có thể là đâm xuyên gây tổn thương trực tiếp đường tiêu hóa do những vật sắc nhọn như mảnh xương, xương cá, tăm tre… Trường hợp người bệnh này do tăm tre làm thủng đại tràng.
Nguyên nhân có thể do thói quen ngậm tăm khi ngủ hoặc dùng tăm để cài trong quá trình chế biến món ăn. Nhiều người bệnh thậm chí không biết mình đã nuốt tăm khi nào như trường hợp của người bệnh này.
“Người dân nên hết sức cẩn thận khi sử dụng tăm hàng ngày, không ngậm tăm đặc biệt là trước khi đi ngủ để tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nếu nuốt phải tăm tre hay bất cứ dị vật nào khác cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời”, bác sĩ khuyến cáo.
Việc dùng tăm tre xỉa răng và ngậm tăm là thói quen của rất nhiều người, tưởng chừng như một việc hết sức đơn giản và bình thường nhưng nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Nếu bị rơi vào đường thở hoặc đường ăn mà không được can thiệp y tế kịp thời thì nguy hiểm đến tính mạng.
Để tránh tai nạn tương tự có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng nên bỏ thói quen ngậm tăm trong miệng, khi ăn uống cần nhai kỹ để loại bỏ xương, tránh nguy cơ nuốt phải xương gây thủng đường tiêu hóa, nguy hiểm tính mạng. Trường hợp, chẳng may nuốt phải dị vật cần đến bệnh viện để được kiểm tra, xử lý kịp thời.
Chi Chi (t/h)